Các loại rau thơm gần như đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền ẩm thực của Việt Nam. Nhiều người cho rằng, việc thiếu đi rau thơm trong một số món ăn sẽ làm giảm hơn một nửa giá trị của món ăn đó. Tuy nhiên, ngoài tác dụng tạo thêm hương vị đặc biệt cho từng món, rau thơm cũng có nhiều tác dụng rất tốt với sức khỏe. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy tìm hiểu về các tác dụng này của rau thơm nhé!
Những tác dụng của rau thơm mà bạn không thể bỏ qua
Rau thơm giúp hỗ trợ tiêu hóa
Khi ăn những loại đồ ăn giàu đạm như: nội tạng động vật, trứng vịt lộn, gỏi..., nhiều người có thể bị khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng. Do đó, người ta thường ăn kèm với rau răm, lá mơ, kinh giới, húng quế, tía tô, bạc hà, diếp cá,...
Điều này là vì chúng đều có chứa các loại tinh dầu giúp kích thích tiêu hóa thức ăn nhanh hơn. Thức ăn không bị lưu lại quá lâu trong đường ruột nên sẽ không bị lên men và tạo ra khí gas gây đầy bụng, chướng hơi.
Cũng chính vì điều này, các loại rau thơm cũng rất tốt cho những người mắc bệnh đường ruột như: Viêm đại tràng mãn tính hay hội chứng ruột kích thích,...
Rau thơm giúp chống oxy hóa, chống viêm, giảm đau
Một số loại rau như bạc hà, húng quế, kinh giới, rau mùi,... có chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa, chống viêm tự nhiên. Các chất chống oxy hóa sẽ giúp bảo vệ cơ thể trước tác hại do những gốc tự do gây ra.
Bạc hà là một ví dụ điển hình về khả năng chống viêm và giảm nhẹ các cơn đau. Các chuyên gia cho rằng, bạc hà có khả năng làm giảm các cơn đau do co thắt trong hội chứng ruột kích thích, hoặc đau bụng kinh,... Ngoài ra, với tác dụng chống viêm, nó cũng có tác dụng rất tốt với những người bị viêm khớp, bệnh gút,...
Rau thơm giúp trị cảm lạnh, cảm cúm
Khi nhắc đến các loại rau thơm giúp giải cảm, chúng ta không thể không kể đến hành lá và tía tô. Với vị cay nồng, tính ấm, chúng giúp đẩy lùi tình trạng cảm lạnh một cách hiệu quả. Bạn chỉ cần ăn một bát cháo trắng thêm hành hoặc tía tô là đã có thể giúp ra mồ hôi, giải cảm rất tốt.
Với vị cay nhẹ, mùi hương dễ chịu, bạc hà cũng là loại rau thơm được sử dụng nhiều trong việc làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, cảm cúm, sốt, nhức đầu,...
Rau thơm giúp trị chứng mất ngủ
Nếu bạn là một tín đồ của các món ăn như gỏi cá, nem chua, nem nướng,... thì chắc chắn sẽ biết đến một loại rau thơm không thể thiếu là lá đinh lăng. Đây là loại lá có nhiều lợi ích với sức khỏe, trong đó có tác dụng an thần, cải thiện tình trạng mất ngủ.
Theo y học hiện đại, lá đinh lăng có chứa hàm lượng cao các hoạt chất saponin triterpen, tanin, glycosid... Những hoạt chất này có khả năng xua tan mệt mỏi, cải thiện mức độ dẫn truyền của thần kinh. Từ đó, sử dụng lá đinh lăng sẽ khiến chúng ta cảm thấy buồn ngủ, ngủ sâu giấc hơn và thấy sảng khoái, tỉnh táo hơn sau khi thức dậy. Bên cạnh lá đinh lăng, húng quế cũng là một loại rau thơm rất tốt cho người bị mất ngủ.
Lá đinh lăng rất tốt cho người bị mất ngủ
Rau thơm giúp giảm cân và phòng ngừa các vấn đề tim mạch
Một số loại rau thơm như hành lá, ngò rí, ngò gai, rau ngổ, rau răm, tía tô, húng quế,... có khả năng hạ cholesterol trong máu, ngăn ngừa mỡ máu, đồng thời bảo vệ mạch máu trước tình trạng stress oxy hóa. Nhờ đó, chúng là sự lựa chọn rất tốt trong việc giảm cân, hạ mỡ máu và ngăn ngừa một số vấn đề về tim mạch như xơ vữa động mạch.
Sả cũng là một loại rau thơm rất tốt cho người bị tăng huyết áp. Nó có tác dụng tăng cường lưu thông máu, hoạt huyết và giúp giảm huyết áp một cách tự nhiên.
Rau thơm giúp cải thiện chức năng miễn dịch
Một số nghiên cứu cho thấy, rau diếp cá có chứa những hoạt chất giúp tăng cường miễn dịch, nhờ kích thích sản sinh các tế bào bạch huyết. Đây là tế bào thiết yếu của cơ thể giúp chống lại những tác nhân bệnh như vi khuẩn, virus,...
Các loại rau thơm khác như: tỏi, hành, kinh giới, rất giàu flavonoid, giúp ức chế sự phát triển của các vi trùng gây hại trong cơ thể. Tỏi có khả năng kháng khuẩn, kháng nấm, virus và ký sinh trùng, rất hiệu quả trong các bệnh cảm cúm, viêm nhiễm đường hô hấp, ho gà,... Kinh giới đã được sử dụng để giảm các triệu chứng của dị ứng.
Rau thơm giúp đào thải độc tố trong cơ thể
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên thời báo Allvoices của Canada, chỉ cần thêm một chút rau mùi tây vào bữa ăn hàng ngày cũng có thể giúp thải độc cho thận một cách hiệu quả. Thành phần của rau mùi tây có chứa aspiol và myristicin khiến mùi tây có tác dụng lợi tiểu, loại bỏ độc tố và lượng natri dư thừa trong cơ thể. Nhờ đó, rau mùi tây giúp làm giảm nguy cơ sỏi thận, làm sạch thận, và cải thiện chức năng thận.
Một loại rau thơm khác là sả cũng có tác dụng thanh lọc cơ thể, tăng cường đào thải acid uric và các chất độc khác. Nhờ đó, sả tốt cho tất cả mọi người, đặc biệt là những ai mắc bệnh gút. Bên cạnh đó, sả cũng giúp giải độc rượu rất hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều loại rau thơm như tỏi và diếp cá cũng giúp cải thiện chức năng gan. Tỏi chứa hợp chất allicin, giúp giải độc, giảm mỡ gan và giúp loại bỏ các chất độc tích tụ trong gan. Rau diếp cá cũng giúp giải độc gan, làm mát gan và hạ men gan.
Rau thơm giúp phòng chống ung thư
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Cancer Letters vào tháng 9 năm 2002, tinh chất sả đã ức chế các tế bào ung thư gan giai đoạn đầu, và làm chậm quá trình phát triển bệnh trên động vật thí nghiệm. Một nghiên cứu khác trên tạp chí Fundamental and Clinical Pharmacology cho thấy, hoạt chất citral trong tinh dầu sả giúp ức chế sự phát triển và kích hoạt quá trình tự chết của tế bào ung thư vú.
Rau mùi tây cũng có thể hỗ trợ tiêu diệt các tế bào ung thư nhờ có hàm lượng apigenin rất cao. Hoạt chất này có thể làm giảm khả năng phát triển của khối u bằng cách ngăn chặn sự hình thành các mạch máu mới.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về các tác dụng đặc biệt của rau thơm với sức khỏe. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Vai trò và cách bổ sung axit béo thiết yếu cho cơ thể
- Những chất trong thực phẩm không tốt cho sức khỏe con người