Đắp mặt nạ không đơn giản là bạn đắp 1 lớp dưỡng chất lên mặt và chờ đợi da mình trắng, mềm và mịn hơn. Nó là cả một quy trình khá phức tạp, cần sử dụng đúng loại, đúng cách phù hợp với từng loại da và từng mục đích.
Nếu đắp mặt nạ sai cách, bạn thậm chí sẽ có thể gặp phải tình trạng mặt mụn, da dầu nhờn hơn. Còn khi thực hiện theo hướng dẫn trong bài viết sau đây, bạn sẽ thu được hiệu quả tối ưu khi đắp mặt nạ và sớm sở hữu làn da đẹp như ý.
Cách đắp mặt nạ dưỡng da
Một số thông tin cần biết về mặt nạ dưỡng da
Mặt nạ dưỡng da có rất nhiều loại
Có thể bạn chưa biết, tùy vào dạng dùng, thành phần và tác dụng, có đến 7 loại mặt nạ dưỡng da đó là:
- Mặt nạ giấy: mặt nạ được làm bằng giấy, sợi bông hoặc vải không dệt được ngâm trong dung dịch chứa nhiều dưỡng chất chăm sóc da. Loại này khá tiện lợi và được rất nhiều người ưa dùng.
- Mặt nạ dưỡng da tự làm từ nguyên liệu thiên nhiên: Là loại mặt nạ tự làm tại nhà từ các loại rau củ giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết (chất chống oxy hóa, vitamin, khoáng chất và một số acid lành tính), cung cấp độ ẩm tự nhiên, tạo cảm giác da ẩm và mềm mại hơn sau mỗi lần đắp.
- Mặt nạ đất sét: Loại mặt nạ này được làm từ đất sét bentonite, cao lanh, đất sét xanh hoặc đất sét trắng có chứa nhiều khoáng chất, thường có dạng đặc sệt có thể đắp trực tiếp lên da sau đó rửa lại bằng nước sạch. Mặt nạ đất sét thường có công dụng làm sạch sâu trong các lỗ chân lông, từ đó hỗ trợ giúp da sạch, khỏe và căng bóng hơn.
Mặt nạ đất sét
- Mặt nạ gel: Mặt nạ loại này nổi tiếng với tác dụng dưỡng ẩm tự nhiên cho da, được sử dụng nhiều vào mùa hè để cấp nước và làm mát cho da, phù hợp với da nhạy cảm và da dầu. Nó chứa nhiều dưỡng chất cô đặc, được chiết xuất từ thành phần thạch tự nhiên như trong các loại thực vật biển hay nha đam.
- Mặt nạ ngủ: Là loại mặt nạ sử dụng vào ban đêm, có tác dụng khóa ẩm, nuôi dưỡng và tái tạo tế bào da trong thời gian ngủ, phù hợp với làn da khô, chúng có dạng kem hoặc gel trong suốt.
- Mặt nạ lột: Là loại mặt nạ khi bôi lên da sẽ khô nhanh và kết lại thành lớp bám dính trên mặt. Sau khoảng thời gian nhất định, bạn có thể lột ra dễ dàng. Loại mặt nạ này chứa các vitamin, chất chống oxy hóa, chất tẩy da chết, hỗ trợ làm sạch và giảm tiết nhờn, đồng thời lấy đi mụn đầu đen, mụn cám trên da.
- Mặt nạ sủi bọt: Loại này có cơ chế hoạt động như một lớp xà phòng trên da, giải phóng khí oxy vào bên trong và hỗ trợ loại bỏ bụi bẩn, cho da sáng khỏe và dễ thở hơn. Nó có 2 dạng là mặt nạ giấy và mặt nạ rửa, sau khi đắp lên khoảng 1-2 phút sẽ sủi bọt.
Mặt nạ sủi bọt
Đắp mặt nạ cần phù hợp với từng loại da
Không phải bạn muốn đắp loại mặt nạ nào cũng được mà cần lựa chọn được sản phẩm có thành phần phù hợp với da của mình. Cụ thể:
- Da khô: Da khô cần được cấp đủ ẩm, đồng thời mặt nạ đó cần chống lại các gốc tự do hiệu quả để ngăn quá trình lão hóa. Tốt nhất là bạn nên lựa chọn các mặt nạ dưỡng ẩm có chứa các hoạt chất như Hyaluronic acid, Glycerin… Mặt nạ giấy hoặc mặt nạ ngủ dạng kem hoặc gel sẽ là lựa chọn tốt cho làn da khô. Ngoài ra, mặt nạ từ thiên như như mặt nạ lô hội, dưa leo, bơ, chuối kết hợp dầu oliu, mặt nạ bơ kết hợp sữa chua, mật ong kết hợp dầu oliu cũng rất phù hợp với loại da này.
- Da dầu: Với đặc điểm các tuyến dầu nhờn trên da hoạt động liên tục, lỗ chân lông to và nhiều mụn ẩn, những cô nàng có làn da dầu nên lựa chọn mặt nạ đất sét, mặt nạ giấy chuyên dùng cho da dầu và một số mặt nạ từ thiên nhiên như tinh bột nghệ + nước cốt chanh + mật ong + sữa chua, trà xanh + chanh tươi + sữa chua, yến mạch + giấm táo, khoai tây + mật ong + sữa chua.
- Da nhạy cảm: Đặc điểm của da nhạy cảm là dễ kích ứng, viêm đỏ. Chính vì thế, các mặt nạ chiết xuất từ thiên nhiên, dịu nhẹ, không chứa cồn, paraben hay hương liệu chính là lựa chọn lý tưởng cho làn da nhạy cảm. Có thể kể đến là: Mặt nạ mật ong và dâu tây, mặt nạ từ sữa tươi, mặt nạ từ bột yến mạch hoặc nghệ tươi, mặt nạ trà xanh.
- Da hỗn hợp: Những người sở hữu làn da hỗn hợp thường đổ dầu nhiều ở vùng tam giác trên da nhưng các vùng da khác như hai bên má lại khô ráp và bong tróc. Vì tính chất khác nhau như thế nên khi chọn mặt nạ, bạn nên ưu tiên sử dụng mặt nạ dưỡng ẩm dạng kem dành cho da khô ở vùng má và cằm, sau đó dùng thêm mặt nạ đất sét để kiểm soát tuyến bã nhờn ở vùng chữ T.
Trên đây chỉ là nguyên tắc chung khi chọn mặt nạ dưỡng da. Để biết làn da của mình phù hợp với loại nào nhất, bạn nên tự thử nghiệm, cảm nhận và đưa ra lựa chọn.
Hướng dẫn chi tiết cách đắp mặt nạ dưỡng da chuẩn khoa học
Sau khi lựa chọn được loại mặt nạ phù hợp với làn da của mình, bước cuối cùng là bạn chỉ cần đắp mặt nạ theo đúng hướng dẫn. Mỗi một loại mặt nạ khác nhau sẽ có cách sử dụng riêng, tuy nhiên chúng đều có các bước cơ bản như sau:
- Bước 1: Làm sạch da: Tẩy da chết (1-2 lần/tuần), thường sẽ thực hiện cùng ngày với đắp mặt nạ, sau đó rửa mặt bằng sữa rửa mặt dịu nhẹ. Bước làm sạch da rất quan trọng để giúp các dưỡng chất thấm sâu và nuôi dưỡng da, giảm nguy cơ tích tụ chất bẩn gây mụn.
- Bước 2: Sử dụng thêm toner (nước hoa hồng) để cân bằng lại độ pH cho da và làm sạch sâu, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất và hoạt tính từ mặt nạ.
- Bước 3: Đắp mặt nạ.
Sau khi thực hiện đến bước 2, bạn đắp mặt nạ theo hướng dẫn sử dụng:
Rửa sạch mặt trước khi đắp mặt nạ
Hướng dẫn đắp mặt nạ giấy
- Nhẹ nhàng lấy mặt nạ ra khỏi túi, gỡ mặt nạ theo nếp gấp
- Căn chỉnh rồi áp mặt nạ lên da sao cho bao phủ cân đối toàn gương mặt theo các vết khoét ở mắt - mũi - miệng, miết nhẹ nhàng sao cho mặt nạ ôm sát toàn bộ da mặt.
- Lấy phần dưỡng còn lại trong túi (nếu có) thoa nhẹ nhàng lên vùng trán và má, mũi, massage nhẹ nhàng.
- Đắp mặt nạ từ 15-20 phút hoặc theo hướng dẫn trên bao bì.
- Gỡ bỏ mặt nạ từ từ theo hướng từ dưới cằm lên trên
- Massage nhẹ để dưỡng chất còn đọng trên da thêm thẩm thấu; để khô thêm 5-10 phút rồi rửa mặt lại với nước sạch.
Hướng dẫn đắp mặt nạ ngủ
- Sau bước dùng toner, bạn sử dụng sữa và kem dưỡng ẩm, bôi kem mắt…
- Thoa mặt nạ ngủ đều khắp da mặt, trừ vùng mắt và miệng. Chú ý, chỉ thoa 1 lớp mỏng như khi dùng kem dưỡng.
- Rửa mặt lại vào sáng hôm sau trước khi thực hiện các bước skincare vào buổi sáng.
Cách dùng mặt nạ dạng kem
- Dùng đầu ngón tay lấy lượng kem vừa đủ, trải đều lên da và tránh những khu vực nhạy cảm như môi, mắt, lông mày.
- Đối với mặt nạ lột: Sau khi mặt nạ khô lại, bạn nhẹ nhàng lột mặt nạ theo hướng từ dưới cằm lên trên, hai bên má từ ngoài vào trong để hiệu quả loại bỏ bụi bẩn, lớp da chết cao hơn.
- Đối với mặt nạ rửa: Rửa lại với nước sạch
Cách dùng mặt nạ đất sét
- Sau khi sử dụng toner, bạn thoa mặt nạ đất sét lên mặt, đặc biệt chú ý vùng chữ T và hai bên má
- Thư giãn trong 10 phút
- Rửa sạch mặt bằng nước ấm
- Dưỡng ẩm cho da.
Một số lưu ý khác khi đắp mặt nạ
- Nên rửa lại mặt sau 15-20 phút đắp mặt nạ và có thể là sáng hôm sau đối với mặt nạ ngủ.
- Tần suất đắp mặt nạ trung bình từ 2-3 lần/ tuần, đặc biệt là những bạn có làn da nhạy cảm.
- Có thể thay đổi các loại mặt nạ khác nhau trong tuần để đa dạng hóa công dụng dưỡng da.
- Nên đắp mặt nạ vào buổi tối vì đây là lúc bạn có thời gian thoải mái nhất cũng như thong thả để tiến hành các bước skincare đầy đủ.
Như vậy, điều quan trọng là bạn cần lựa chọn được loại mặt nạ phù hợp với da của mình, tiếp theo bạn cần có cách đắp mặt nạ chuẩn khoa học như trong hướng dẫn ở trên đây. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết, chúc bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Mách bạn cách dưỡng ẩm cho da hiệu quả, đơn giản
- Bất ngờ với 5 bí quyết làm đẹp không thể đơn giản hơn của người Nhật