Các tế bào da của chúng ta luôn được thay thế và đổi mới mỗi ngày. Việc loại bỏ các tế bào chết là điều cần thiết để giúp các dưỡng chất trong các sản phẩm dưỡng da có thể thẩm thấu sâu vào trong da. Nhờ đó, làn da sẽ được tái tạo, phục hồi, luôn giữ được sự khỏe mạnh và tươi trẻ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách tẩy tế bào chết đơn giản và an toàn cho mọi loại da nhé!
Hướng dẫn lựa chọn cách tẩy tế bào chết cho mọi loại da đơn giản và an toàn
Có bao nhiêu cách để tẩy tế bào chết?
Tẩy tế bào chết là một trong những bước chăm sóc da không thể thiếu và rất quan trọng. Việc này không được thực hiện hàng ngày như rửa mặt, bôi toner, hay kem dưỡng,...
Tuy nhiên, tẩy da chết định kỳ là điều rất cần thiết để da hấp thu tối đa các dưỡng chất trong sản phẩm trên, từ đó tăng hiệu quả của việc chăm sóc da. Hiện nay, tẩy tế bào chết được chia thành 2 kiểu là:
Tẩy tế bào chết vật lý
Tẩy tế bào chết vật lý là cách loại bỏ các tế bào chết một cách cơ học, thông qua việc ma sát. Bạn có thể dùng các sản phẩm tẩy tế bào chết dạng hạt (scrub) hoặc dạng peeling gel.
Kích thước hạt scrubs có thể thay đổi từ mịn đến siêu mịn. Khi chuyển động trên da, chúng sẽ lấy đi bụi bẩn, chất nhờn và làm bong tế bào giã cỗi đang bám trên da. Chúng cũng kích thích tuần hoàn máu giúp da hồng hào, săn chắc hơn. Tuy nhiên, bạn có thể thấy hơi rát da, vì vậy hãy massage thật nhẹ nhàng, không nên chà xát quá mạnh.
Dạng peeling gel có bản chất là các sợi polymer. Bạn chỉ cần lấy một lượng nhỏ và massage đều lên da sạch. Gel sẽ hấp thụ dầu, bụi bẩn tế bào chết và vón thành những cục nhỏ, trông giống như bạn đang “kỳ ghét”. Tẩy tế bào chết dạng peeling mang đến cảm giác dịu nhẹ, nhưng vẫn đảm bảo làm sạch sâu cho da.
Tẩy tế bào chết hóa học
Tẩy da chết hóa học sử dụng đến các loại hóa chất có tính acid, giúp phá vỡ liên kết giữ các tế bào da lại với nhau. Nhờ đó, lớp da chết ngoài cùng sẽ bong ra, nhường chỗ cho các tế bào da mới phát triển. Nồng độ của các hóa chất này khác nhau tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Các chất tẩy tế bào chết hóa học có thể kể đến như:
- Acid alpha hydroxy - AHA: Đây là các loại acid tan trong nước, được chiết xuất từ đường mía (acid glycolic), sữa và rau (acid lactic), cam quýt (acid citric), nho (acid tartaric), táo (acid malic).
- Acid beta hydroxy - BHA: Đây là acid tan trong dầu như acid salicylic, acid beta hydroxy butanoic, acid tropic, acid trethocanic. Trong đó, acid salicylic được sử dụng phổ biến nhất.
- Acid poly hydroxy - PHA: Gluconolactone, galactose và acid lactobionic hoạt động tương tự như AHA. Tuy nhiên, kích thước phân tử của chúng lớn hơn, nên chỉ hoạt động trên bề mặt, không thấm sâu vào da. PHA được đánh giá là dịu nhẹ hơn so với các loại tẩy tế bào chết hóa học khác.
AHA và BHA là các chất tẩy tế bào chết hóa học
Bên cạnh tác dụng tẩy tế bào chết, các hợp chất kể trên còn có một số tác dụng khác nhau. Chính vì thế, việc lựa chọn sản phẩm nào sẽ phụ thuộc vào tính chất và đặc điểm của từng loại da.
Lựa chọn phương pháp tẩy tế bào chết cho từng loại da
Hiện nay, dựa theo các đặc trưng riêng, da được chia thành 5 loại là: da thường, da dầu, da khô, da hỗn hợp và da nhạy cảm. Trong đó, da thường là loại dễ chăm sóc nhất, còn da hỗn hợp và da nhạy cảm là 2 loại “khó chiều” nhất.
Cách lựa chọn phương pháp tẩy tế bào chết sẽ phụ thuộc vào tính chất của da, cũng như nhu cầu của người sử dụng. Trên thực tế, không có một “mẫu số chung” nào cho việc lựa chọn tẩy tế bào chết. Bởi lẽ, cho dù cùng một loại da, nhưng mỗi người có một tình trạng khác nhau, do đó việc lựa chọn các sản phẩm cũng khác nhau.
Dưới đây, chúng ta hãy cùng điểm qua tính chất các loại da, và lưu ý khi lựa chọn sản phẩm tẩy tế bào chết phù hợp.
Tẩy tế bào chết cho da thường
Đây là loại da khỏe mạnh, ít xảy ra vấn đề, cũng như dễ chăm sóc nhất. Độ ẩm trên da cân bằng, không bị khô, hay đổ dầu quá nhiều, rất ít mụn, căng mịn, hồng hào và đều màu.
Với “tính cách ôn hòa”, da thường phù hợp với cả phương pháp tẩy tế bào chết vật lý và hóa học. Bạn chỉ cần lựa chọn các sản phẩm không có chứa các thành phần mẫn cảm với cơ thể và không chà xát mạnh khi thực hiện.
Tẩy tế bào chết cho da khô
Da khô là loại da thiếu độ ẩm, sản sinh ít dầu hơn bình thường. Da thường dễ bị bong tróc, có cảm giác ngứa, căng, thô ráp, độ đàn hồi kém, xỉn màu. Với những người có làn da khô, phương pháp phù hợp nhất là tẩy da chết hóa học.
Các sản phẩm thuộc nhóm AHA, đặc biệt là acid glycolic có tác dụng rất tốt để tẩy tế bào chết cho da khô. Đồng thời, những sản phẩm này còn kích thích tái tạo da, làm mờ các nếp nhăn, tăng độ đàn hồi và độ ẩm cho da.
Tẩy tế bào chết cho da dầu, da mụn
Da dầu luôn tiết ra nhiều dầu hơn mức cần thiết, khiến da thường có cảm giác bóng nhờn, lỗ chân lông to, dễ nổi mụn và sạm màu. Mặc dù vậy, người da dầu hoàn toàn có thể dùng được cả 2 phương pháp tẩy tế bào chết kể trên. Trong đó, các sản phẩm chứa acid salicylic sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất.
Chúng có thể đi sâu vào các nang lông, giúp loại bỏ dầu thừa, giúp giảm mụn trứng cá và viêm da. Tuy nhiên, nó có thể làm da bạn khô hơn, nên hãy sử dụng với acid lactic để giúp cải thiện độ ẩm tự nhiên.
Tẩy tế bào chết cho da hỗn hợp
Da hỗn hợp có thể hiểu là loại nửa dầu, nửa khô. Những vị trí như mũi, cằm hay trán thường ra nhiều dầu, trong khi các vùng khác thì lại bị khô. Mức độ pha trộn của 2 loại này khác nhau ở mỗi người. Nếu vùng da dầu có diện tích rộng hơn thì da hỗn hợp thuộc dạng thiên dầu, còn ngược lại là da hỗn hợp thiên khô.
Cách chăm sóc loại da này khá phức tạp do sự xuất hiện của 2 vùng da có tính chất khác nhau. Vùng da dầu nên được tẩy tế bào chết cơ học, còn vùng da khô thì dùng hóa học. Lưu ý, việc tẩy da chết cho mỗi vùng không được thực hiện trong cùng một ngày vì có thể gây kích ứng.
Da hỗn hợp được pha trộn bởi 2 loại vùng dầu và khô
Tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm
Da nhạy cảm là loại da “khó tính”, thường xuyên xuất hiện cảm giác châm chích, nóng rát và ngứa khi tiếp xúc với các yếu tố như ánh nắng, bụi bẩn, gió, mưa,... Chính vì thế, việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da nhạy cảm cần hết sức cẩn thận.
Phương pháp tẩy tế bào chết hóa học sẽ phù hợp nhất với người có da nhạy cảm, vì tránh được việc phải chà xát nhiều. Tuy nhiên, trước khi dùng lên mặt, bạn nên thử bôi ở sau tai, nếu sau 24h không bị phát ban hay sưng đỏ thì mới dùng tiếp.
Hy vọng, bài viết trên đây đã cung cấp câu trả lời cần thiết cho quý độc giả về việc lựa chọn cách tẩy tế bào chết cho mọi loại da. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Những cách chống lão hóa cho từng độ tuổi 20, 30, 40 và 50
- Kem dưỡng mắt: Tầm quan trọng và cách sử dụng