Nhiều bệnh nhân khi đi chụp X - quang thì được các bác sĩ chẩn đoán là có nốt vôi hóa phổi. Điều này khiến bệnh nhân rất hoang mang không biết vôi hóa phổi là gì? Vôi hóa phổi có nguy hiểm không? Làm sao để điều trị? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời những thắc mắc đó!
Vôi hóa phổi có nguy hiểm không?
Vôi hóa phổi là gì?
Vôi hóa phổi là tình trạng trong phổi xuất hiện các nốt vôi hóa có hình tròn hoặc cũng có thể là hình elip. Chúng hình thành do nhiễm trùng hoặc do bệnh lý nào đó khiến mô phổi bị viêm. Vôi hóa là có sự lắng đọng canxi ở trong mô phổi bị viêm, làm chúng đặc hơn (giống như xương). Trên hình ảnh X-quang hay CT sẽ thấy chúng xuất hiện như những đốm sáng.
Những đối tượng sau đây có nguy cơ bị vôi hóa phổi:
- Những người mắc các bệnh phổi mãn tính như lao phổi, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ...
- Người thường xuyên tiếp xúc và làm việc trong môi trường nhiều hóa chất công nghiệp độc hại như bụi amiăng, bụi silic...
- Bệnh nhân bị nhiễm virus, vi khuẩn, nấm ở phổi gây ra sẹo phổi và tạo điều kiện thuận lợi để tích tụ canxi.
- Những người bổ sung dư thừa vitamin D, hoặc tăng nồng độ vitamin D dẫn đến tích tụ canxi ở phổi.
Vôi hóa phổi có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp nốt vôi hóa ở phổi quan sát được trên X-quang đều là khối u lành tính (chiếm tỷ lệ 95%). Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân tiến hành thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân và loại trừ ung thư. Nguyên nhân do các nốt vôi hóa ở phổi có thể là biểu hiện ban đầu của bệnh ung thư phổi giai đoạn sớm.
Mặt khác, các khối u cũng có thể phát triển lớn sẽ chèn ép lên đường thở, làm người bệnh bị ho, thở khò khè hay khó thở.
Vôi hóa phổi có thể do ung thư phổi.
Làm sao để điều trị vôi hóa phổi?
Với các nốt ở phổi lành tính kích thước nhỏ có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, các nốt vôi hóa phổi cũng là biểu hiện tiềm ẩn cho các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, cần xác định và giải quyết các nguyên nhân gây bệnh, như:
- Nếu nguyên nhân là nhiễm trùng do vi khuẩn hay do nấm, bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh hay kháng nấm phù hợp.
- Nếu bệnh nhân bị viêm không do nhiễm trùng như bệnh u hạt có thể được điều trị bằng corticosteroid hay các thuốc ức chế miễn dịch.
- Nếu các nốt vôi hóa ở phổi phát triển gây chèn ép lên đường thở thì bệnh nhân cần phẫu thuật.
- Trong trường hợp các nốt này là ung thư phổi, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân phương pháp điều trị phù hợp từng giai đoạn bệnh (hóa, xạ trị, phẫu thuật,..).
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu được vôi hóa phổi là gì. Bạn không thể loại trừ nốt vôi hóa phổi của mình là lành tính hay ác tính, liệu có để lại những vấn đề lâu dài về sức khỏe hay không. Vì vậy, nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, đồng thời đến bệnh viện ngay nếu gặp triệu chứng khó thở, ho kéo dài, ho ra máu hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Hướng dẫn thở khí dung tại nhà và những lưu ý khi sử dụng
- Tìm hiểu chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD