Khi bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính COPD chuyển sang giai đoạn nặng, có biến chứng, cơ thể thiếu oxy nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp oxy. Liệu pháp này giúp cải thiện tình trạng khó thở, ngăn ngừa các biến chứng nặng thêm, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu kỹ liệu pháp này, mời các bạn cùng đón đọc!
Tìm hiểu liệu pháp oxy cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Đặc điểm chung của người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý hô hấp phổ biến, đặc trưng bởi tình trạng luồng không khí bị tắc nghẽn trong phổi do hẹp đường dẫn khí và/hoặc phế nang suy giảm chức năng.
Đường dẫn khí của người bệnh bị hẹp lại nên sự trao đổi khí ở phế nang bị suy giảm, làm không khí ứ lại trong phổi, kích thích cơ thể tăng tiết dịch nhầy… Điều này khiến người bệnh bị ho, đờm, khó thở và hàng loạt các triệu chứng khác.
Các biểu hiện của bệnh nặng dần theo thời gian, đặc biệt là tình trạng khó thở. Thời gian đầu, người bệnh chỉ khó thở khi gắng sức, về sau người bệnh khó thở thường xuyên, kể cả khi nghỉ ngơi. Nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Tràn khí màng phổi, tăng áp lực động mạch phổi, suy tim phải, đa hồng cầu, ung thư phổi,... thậm chí gây tử vong.
Biện pháp điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn đầu là người bệnh sử dụng thuốc tây y và xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học. Khi bệnh tiến triển nặng, có đợt khó thở cấp tính hoặc suy hô hấp mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định thêm liệu pháp oxy.
Khi có đợt cấp tính, bác sĩ thường chỉ định liệu pháp oxy cho bệnh nhân
Liệu pháp oxy trong điều trị đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Mục đích của việc sử dụng liệu pháp oxy trong điều trị đợt cấp bệnh phổi mạn tính là hạn chế tình trạng thiếu oxy máu. Người bệnh sẽ được chụp X-quang lồng ngực, xét nghiệm máu trước và sau khi áp dụng liệu pháp này.
Tiếp theo, bác sĩ cho người bệnh điều trị khởi đầu liệu pháp oxy với nồng độ oxy hít vào khoảng 24-28% bằng ống chuyên dụng ở mũi. Trong suốt quá trình đó, bệnh nhân sẽ được theo dõi tình trạng ứ khí CO2 để tránh nhiễm toan. Sau 30 phút sử dụng liệu pháp oxy, bác sĩ sẽ xét nghiệm máu lại cho người bệnh.
Nếu điều trị thất bại, khả năng cao người bệnh đã có một trong các biến chứng như tràn khí màng phổi, thuyên tắc phổi hoặc viêm phổi.
Liệu pháp oxy dài hạn cho bệnh nhân COPD điều trị tại nhà
Đối với bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 kèm theo suy hô hấp mạn tính, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp oxy dài hạn tại nhà. Mục đích của liệu pháp này cũng giống như khi điều trị đợt cấp là cung cấp oxy có nồng độ cao hơn trong không khí cho người bệnh, cải thiện tình trạng thiếu oxy máu.
Hình ảnh liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà bệnh nhân COPD
Lợi ích của liệu pháp oxy nhân tạo dài hạn tại nhà bao gồm:
- Cải thiện khả năng vận động, đặc biệt là vận động gắng sức của người bệnh.
- Ổn định áp lực của động mạch phổi, hạn chế tình trạng bị suy tim phải, tâm phế mạn.
- Giảm tình trạng khó thở và số lần nhập viện.
- Cải thiện giấc ngủ và chất lượng cuộc sống, tăng tuổi thọ cho người bệnh.
Những tiêu chuẩn người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần có để áp dụng liệu pháp oxy tại nhà gồm có:
- Tình trạng bệnh đang trong trạng thái ổn định, điều trị bằng thuốc giãn phế quản, thuốc corticoid dạng hít.
- Bệnh nhân có ít nhất 2 kết quả xét nghiệm máu được thực hiện khi hít thở không khí tự nhiên và cách nhau ít nhất 20 phút.
- Bệnh nhân có PaO2 (chỉ số phân áp oxy máu động mạch) < 55 mmHg hoặc PaO2 nằm trong khoảng 55 - 60 nhưng có tăng áp động mạch phổi hoặc Hct (tỉ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần) > 55%.
Liều dùng liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà cho người bệnh như sau:
- Thở oxy liên tục bằng ống thông mũi đơn hoặc đôi.
- Lưu lượng oxy thấp nhất sao cho PaO2 đạt 60 - 65 mmHg.
- Khi vận động và ngủ, bệnh nhân được tăng thêm 1 lít so với liều dùng căn bản.
Lưu ý khi sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà cho người bệnh COPD là gì?
Lưu ý khi sử dụng liệu pháp oxy nhân tạo tại nhà cho người bệnh COPD
- Theo dõi kết quả xét nghiệm máu động mạch trước và sau khi chỉ định dùng liệu pháp oxy.
- Theo dõi SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) để điều chỉnh liều oxy phù hợp.
- Nếu xuất hiện ứ CO2 phải theo dõi khí máu và toan máu. Trong trường hợp toan máu, người bệnh cần được xem xét thông khí hỗ trợ.
- Tránh sử dụng liều oxy quá cao khi người bệnh khó thở hoặc bệnh đột nhiên trở nặng.
- Người bệnh nên có sổ theo dõi điều trị tại nhà.
- Nên có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa hằng tuần, hằng tháng hoặc khi có vấn đề để xử lý kịp thời.
- Thường xuyên vệ sinh dụng cụ thở, phải vệ sinh đúng cách.
- Chú ý thay nước sạch cho bình làm ẩm hằng ngày hoặc khi cạn nước.
- Theo dõi lượng oxy đã thở, chú ý khi thay bình khi hết oxy.
- Khóa van bình chuyên dụng khi không sử dụng liệu pháp oxy.
- Không sử dụng thuốc lá, dùng thuốc theo chỉ định và đảm bảo dinh dưỡng.
- Tập các bài tập thở có kiểm soát như: Thở chúm môi, thở cơ hoành… để giúp cải thiện chức năng hô hấp.
- Sử dụng sản phẩm BoniDetox để giải độc, tăng cường sức khỏe cho hai lá phổi.
Đến đây, hy vọng các bạn đã biết liệu pháp oxy cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Khi mức độ bệnh nặng, có đợt khó thở cấp, liệu pháp này sẽ được áp dụng. Nếu còn bất kỳ băn khoăn gì, bạn vui lòng gọi điện lên tổng đài miễn cước 1800.1044 để được giải đáp chi tiết. Cảm ơn các bạn!
XEM THÊM:
- Triệu chứng lao phổi tái phát và cách phòng ngừa
- 10 cách làm giảm mệt mỏi do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính