Ngày nay, khi khoa học đưa con người đến gần với nhau, thì sự riêng tư lại ngày càng được nhiều người quan tâm hơn. Có những người tìm đến sự riêng tư để có thể tận hưởng những giây phút yên bình trong cuộc sống. Tuy nhiên, có những người lại sống trong sự riêng tư vì lo sợ trước các tình huống thường ngày. Đây chính là một biểu hiện của hội chứng sợ xã hội. Chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về điều này trong bài viết dưới đây nhé!
Hội chứng sợ xã hội hay chỉ đơn giản là “muốn được riêng tư” ?
Hội chứng sợ xã hội - Khi việc “muốn được riêng tư” bắt nguồn từ nỗi sợ
Hội chứng sợ xã hội (Social Anxiety Disorder/ Social Phobia) còn được gọi là ám ảnh sợ xã hội. Đây là một trong những dạng rối loạn lo âu phổ biến nhất hiện nay.
Biểu hiện đặc trưng nhất của người mắc hội chứng này là việc lo lắng quá mức, thậm chí là sợ hãi trước các tình huống xã hội rất bình thường. Họ có thể cảm thấy sợ khi nói chuyện, ăn uống, hẹn hò ở những nơi đông người, hay phải gặp gỡ những người không quen biết.
Thoạt nghe thì có vẻ điều này là hết sức bình thường, vì vốn dĩ ai cũng sẽ có tâm lý này khi đứng trước một sự kiện nào đó, như đi phỏng vấn, diễn thuyết hay xem mắt,... Tuy nhiên, sự lo sợ của người mắc hội chứng sợ xã hội lại hình thành từ việc bị người khác quan sát và đánh giá.
Họ dường như bị ám ảnh về điều này đến mức phải tìm cách thoát ly khỏi các tình huống xã hội bằng bất cứ hình thức nào. Họ sẽ chỉ cảm thấy thoải mái với những người thân trong gia đình, và những người thực sự thân quen.
Điều đáng nói ở đây là hội chứng này đang ngày càng len lỏi vào giới trẻ trong xã hội hiện nay. Theo một số nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 2021, giới trẻ nước này đang ngày càng không muốn và cảm thấy sợ giao tiếp trong thế giới thực. Theo đó, khoảng 80% trong số 4.800 sinh viên được hỏi cho rằng, họ có các triệu chứng của hội chứng sợ xã hội.
Một nghiên cứu khác của các chuyên gia Mỹ, Canada được đăng tải trên tạp chí khoa học PLOS One hồi năm 2020 cũng cho thấy, tỷ lệ người gặp các triệu chứng lo âu xã hội ở thanh niên tại 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc đang gia tăng. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, 32% người từ 16 - 29 tuổi ở Trung Quốc đạt đến ngưỡng y tế bị ám ảnh sợ xã hội.
Các chuyên gia cũng cho biết, nguyên nhân khiến tình trạng này gia tăng bắt nguồn từ việc giới trẻ ngày càng phải dành thêm nhiều thời gian cho việc học tập tại nhà, vì phải chịu nhiều áp lực và sự kỳ vọng từ gia đình. Chính vị thế, thời gian dành cho các hoạt động xã hội lại giảm đi.
Bên cạnh đó, việc các gia đình ngày càng có ít con hơn và con cái được bao bọc quá mức từ cha mẹ, ông bà cũng góp phần khiến hội chứng sợ xã hội hình thành. Ngoài ra, sự phát triển mạnh mẽ của các mạnh xã hội ảo cũng khiến cho nhiều người thấy sợ khi giao tiếp trong thế giới thực, và họ chỉ “cảm thấy an toàn” khi giao tiếp trong môi trường trực tuyến.
Trẻ được bao bọc quá mức có thể hình thành tâm lý sợ xã hội
Hội chứng sợ xã hội sẽ để lại những hệ lụy gì?
Trên thực tế, hội chứng sợ xã hội thường không gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, việc né tránh giao tiếp và các hoạt động xã hội có thể khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống như:
- Hình thành tính cách thiếu tự tin, thiếu quyết đoán hay do dự và tự đánh giá thấp bản thân.
- Kỹ năng xã hội kém do sự lo lắng quá mức làm giảm khả năng giao tiếp. Lâu dần, họ sẽ có xu hướng tách biệt khỏi cộng đồng, tự cô lập bản thân.
- Ảnh hưởng đến quá trình học tập và làm việc, cũng như xây dựng các mối quan hệ sau này.
- Cảm thấy ngày càng cô đơn và lạc lõng, dường như bản thân không thuộc về thế giới này.
- Tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như đau nửa đầu, tăng huyết áp, hội chứng ruột kích thích,...
Bên cạnh đó, một số người cũng có thể hình thành những hành vi không lành mạnh như bỏ ăn uống hoặc ăn uống quá mức, hay lạm dụng rượu và các chất gây nghiện. Tình trạng này còn có thể tiến triển thành bệnh trầm cảm, từ đó dẫn tới những hành vi nguy hiểm như tự sát.
Điều trị hội chứng sợ xã hội bằng cách nào?
Hiện nay, phương pháp điều trị hiệu quả nhất cho người mắc hội chứng sợ xã hội là liệu pháp hành vi - nhận thức. Họ sẽ được tư vấn tâm lý nhằm học cách đối mặt với các tình huống xã hội gây cảm giác sợ hãi, từ đó thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và phát triển thêm kỹ năng để tự tin, thoải mái hơn.
Ngoài ra, một số biện pháp điều trị khác có thể kể đến như:
Dùng thuốc
- Thuốc chống trầm cảm như: chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), chất ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI), chất ức chế monoamine oxidase (IMAO) và thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA).
- Thuốc giảm lo âu như benzodiazepines.
Lối sống lành mạnh
- Tập yoga và ngồi thiền, tập thể dục 30 phút mỗi ngày.
- Không uống rượu, bia, hút thuốc lá hay dùng chất kích thích khác.
- Ngủ đủ 7 - 8 giờ mỗi ngày.
- Chủ động bắt chuyện với những người có nét tương đồng với bản thân, hoặc giống với người thân trong gia đình.
Liệu pháp hành vi - nhận thức là phương pháp điều trị hiệu quả nhất
Những việc cần làm để phòng ngừa rối loạn lo âu xã hội
Trước hết, nếu có những triệu chứng sợ hãi, lo lắng thái quá trước những tình huống xã hội, bạn nên đi khám và tìm gặp các chuyên gia tâm lý càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm sẽ giúp cho quá trình cải thiện của người bệnh ngắn hơn nhiều.
Cùng với đó, các bậc phụ huynh không nên bao bọc con cái quá mức, hãy cho trẻ tham gia vào nhiều hoạt động tập thể, vui chơi với các bạn bè cùng trang lứa để phát triển khả năng giao tiếp, thích nghi với những môi trường mới.
Cha mẹ cũng không nên đặt quá nhiều áp lực lên con cái, hãy cho trẻ có thời gian học tập và vui chơi cân đối, đồng thời tập trung vào hoạt động xã hội, thay vì sử dụng mạng xã hội trong thời gian rảnh.
Những người có tính cách nhút nhát, tự ti nên trau dồi kỹ năng xã hội, tham gia vào các khóa học đào tạo kỹ năng mềm, nhằm thích ứng với môi trường mới và không còn phải lo lắng, sợ hãi khi gặp gỡ hoặc giao tiếp với những người lạ.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về hội chứng sợ xã hội và cách khắc phục. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Trầm cảm - Đừng sống mãi với những cảm xúc tiêu cực!
- Rối loạn nhân cách ranh giới - Ám ảnh về nỗi sợ bị bỏ rơi