Mỗi người luôn có cho mình những mối quan hệ khác nhau trong cuộc sống này. Việc một người mới bước vào cuộc sống của chúng ta, và sự rời đi của một ai đó đã từng thân thiết là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, những người mắc rối loạn nhân cách ranh giới lại luôn ám ảnh về việc bị bỏ rơi. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về tình trạng này nhé!
Rối loạn nhân cách ranh giới - Ám ảnh về nỗi sợ bị bỏ rơi
Dấu hiệu nhận biết người mắc rối loạn nhân cách ranh giới
Rối loạn nhân cách ranh giới (Borderline Personality Disorder - BPD) còn được gọi là rối loạn nhân cách tâm trạng không ổn định và rối loạn nhân cách thể bất định. Tình trạng này được bắt gặp ở khoảng 2% dân số và 30 - 60% số người mắc rối loạn nhân cách.
BPD ảnh hưởng đến cách mà người bệnh cảm nhận về bản thân, cũng như người khác, từ đó khiến họ gặp trở ngại trong những mối quan hệ hàng ngày. Họ luôn ám ảnh về việc mình sẽ bị bỏ rơi, từ đó dẫn đến những hành vi tiêu cực có thể làm tổn thương chính bản thân họ và cả những người xung quanh.
Nỗi ám ảnh về việc bị bỏ rơi của họ được thể hiện trên nhiều phương diện như:
- Tỏ ra vô cùng bực bội và khó chịu khi người khác đến muộn vài phút hoặc hủy hẹn.
- Có xu hướng đề cao giá trị của người khác khi bắt đầu một mối quan hệ với họ. Tuy nhiên, khi cảm thấy đối phương thờ ơ và xa cách, bệnh nhân sẽ nhanh chóng thất vọng, chán ghét, thậm chí đánh giá thấp, xúc phạm họ.
- Cảm thấy không chắc chắn về sự tồn tại và vai trò của mình, phải luôn thay đổi bản thân theo hoàn cảnh và những gì họ nghĩ người khác muốn ở mình.
- Có thể chuyển từ cảm xúc hài lòng đến buồn bã trong phút chốc.
- Không nhận biết được mặt tốt, mặt xấu của người khác, mà chỉ đưa ra nhận định thông qua thái độ và sự quan tâm của họ đối với bản thân.
- Có một số hành động mất kiểm soát như đánh bạc, quan hệ tình dục không an toàn, lạm dung chất kich thích, đua xe...
Chính vì điều này, người bệnh luôn cố gắng tạo dựng những mối quan hệ mới để có thay thế khi mối quan hệ cũ phải chấm dứt. Hoặc, họ có thể thực hiện các hành vi như tự tử nhằm tạo ra áp lực để người khác phải đồng ý với những yêu cầu của bản thân. Do đó, các mối quan hệ của người mắc rối loạn nhân cách ranh giới luôn trong trạng thái mất ổn định. Hầu hết những người đã nhận thấy sự bất thường ở người bệnh đều sẽ cố gắng tránh xa và chấm dứt mối quan hệ trong thời gian sớm nhất.
Người bệnh BPD có thể sẽ khó chịu, nổi giận nếu bị hủy hẹn
Nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ranh giới là gì?
Hiện nay, nguyên nhân gây rối loạn nhân cách ranh giới vẫn chưa được xác định cụ thể. Các chuyên gia cho rằng, yếu tố di truyền, thay đổi bất thường của não bộ, môi trường và chấn thương tâm lý có thể góp phần hình thành tình trạng này.
- Di truyền: người có họ hàng gần mắc chứng bệnh này sẽ có nguy cơ mắc bệnh tăng lên 5 lần so với người bình thường.
- Sang chấn tâm lý thời thơ ấu: Việc bị bỏ rơi, lạm dụng thể chất, tình dục, mất cha mẹ, người thân từ sớm, bị ngược đãi hoặc được gia đình bao bọc quá mức,… cũng có thể hình thành tâm lý lo sợ bị bỏ rơi và nhạy cảm quá mức trong các mối quan hệ.
- Bất thường trong cấu trúc não bộ như: rối loạn hoạt động của hệ thống neuropeptide, giảm chức năng vùng vỏ não trước trán, hạch hạnh nhân và hồi hải mã, mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh và rối loạn hệ trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận.
- Môi trường sống: Trẻ sống với người mắc rối loạn nhân cách ranh giới cũng có thể phát triển hành vi tương tự khi lớn lên.
- Sự thay đổi của hormone estrogen cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn nhân cách ranh giới.
Điều trị rối loạn nhân cách ranh giới bằng cách nào?
Với sự nhạy cảm thái quá và cách bộc lộ cảm xúc tiêu cực, người mắc BPD gặp rất nhiều phiền toái trong cuộc sống và các mối quan hệ. Họ cũng luôn sống trong sự mơ hồ, không có lý tưởng và mục tiêu rõ ràng. Ngoài ra, họ cũng có thể thực hiện những hành vi tự sát và những thói quen không lành mạnh.
Chính vì vậy, việc điều trị sớm là điều rất quan trọng với người bệnh BPD. Các phương pháp điều trị rối loạn nhân cách ranh giới có thể kể đến như:
Tâm lý trị liệu
Người bệnh sẽ được tư vấn những biện pháp giúp loại bỏ những cảm xúc tiêu cực và hành vi gây hại cho bản thân và người khác. Tiếp đến, liệu pháp hành vi nhận thức được áp dụng để giúp người bệnh kiểm soát được sự giận dữ, cũng như nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Cùng với đó, liệu pháp này cũng giúp người bệnh nhìn nhận tốt hơn về những người xung quanh, các mối quan hệ và sự việc xảy ra trong cuộc sống.
Sử dụng thuốc
- Thuốc chống trầm cảm như chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc SSRIs giúp cải thiện tình trạng rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Thuốc an thần giúp cải thiện các rối loạn nhận thức, hoang tưởng, tức giận, lo âu,…
- Thuốc điều chỉnh khí sắc (Carbamazepine, Lithium carbonate và Sertraline) giúp cải thiện tình trạng cảm xúc bất ổn, xung động, lo âu và trầm cảm ở bệnh nhân BPD.
- Thuốc chống loạn thần (Olanzapine) giúp cải thiện tình trạng hoang tưởng, ảo giác.
Người bệnh có thể được dùng những loại thuốc chống trầm cảm
Các biện pháp khác
- Thư giãn, giảm căng thẳng, lo lắng, và kiểm soát cơn giận bằng cách hít thở sâu, ngồi thiền, trị liệu bằng âm nhạc, mùi hương,...
- Tập thể dụng nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày bằng các bài tập yoga, bơi lội, đi bộ, đạp xe,...
- Tránh xa rượu, bia, chất kích thích, và các hành vi không lành mạnh khác như cờ bạc, đua xe, quan hệ tình dục không an toàn,...
- Ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, làm việc có kế hoạch.
- Tìm kiếm mục tiêu và lý tưởng sống rõ ràng, tăng cường năng lực của bản thân, phát triển điểm mạnh và khắc phục nhược điểm.
Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về bệnh rối loạn nhân cách ranh giới. Nếu có bất kỳ thắc mắc gì, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!
XEM THÊM:
- Bạn có thể nghe được gì từ người bệnh tâm thần phân liệt ?
- 5 lợi ích kỳ diệu của việc đọc sách trước khi đi ngủ