Đối với bệnh nhân tiểu đường, việc kiểm soát đường huyết là vô cùng quan trọng, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các biến chứng. Tuy nhiên, việc đo đường huyết bằng các phương pháp truyền thống chỉ cung cấp chỉ số đường huyết tại một thời điểm trong ngày. Do đó, bác sĩ và người bệnh khó có cái nhìn tổng quát và đầy đủ về tình trạng bệnh. Máy theo dõi đường huyết liên tục ra đời để giải quyết những hạn chế đó. Vậy máy đo đường huyết liên tục là gì? Những ai cần sử dụng máy này? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Máy theo dõi đường huyết liên tục là gì?
Máy theo dõi đường huyết liên tục là gì?
Hiện nay, người bệnh tiểu đường có 2 phương pháp theo dõi đường huyết tại nhà. Theo dõi đường huyết mao mạch và theo dõi đường huyết liên tục.
Phương pháp theo dõi đường huyết mao mạch khá phổ thông, được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Bệnh nhân chích máu ở đầu ngón tay và thử đường huyết. Phương pháp này có giá thành tương đối rẻ và phù hợp với phần lớn túi tiền của người Việt Nam.
Tuy nhiên, đường huyết của chúng ta dao động khá nhiều trong ngày, do chế độ ăn uống, tập luyện và điều trị. Do đó, việc thử đường huyết mao mạch tại một thời điểm không thể phản ánh hết được những thay đổi trong ngày. Điều này khiến chúng ta thiếu dữ liệu cần thiết để điều chỉnh lối sống và những vấn đề về điều trị.
Phương pháp thứ 2 là sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục. Máy theo dõi đường huyết liên tục là một thiết bị điện tử có khả năng đo và tính toán số liệu đường huyết trong cơ thể mỗi vài phút trong liên tục 24 giờ một ngày và trong nhiều ngày liên tiếp (thường là 7 - 14 ngày). Thiết bị này đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA kiểm duyệt và phê chuẩn về tiêu chuẩn sử dụng cho bệnh nhân đái tháo đường.
Tuy nhiên, phương pháp này chưa được sử dụng phổ biến ở Việt Nam mà chỉ được sử dụng tại bệnh viện thuộc khu vực các thành phố lớn.
Cơ chế hoạt động của máy theo dõi đường huyết liên tục
Khác với máy đo đường huyết thông thường, chúng ta chích máu từ mao mạch và thử đường huyết, máy theo dõi đường huyết liên tục sẽ đo đường huyết gián tiếp từ dịch mô kẽ.
Cụ thể, trên thiết bị cảm biến của máy theo dõi đường huyết liên tục có một kim luồn nhỏ bằng nhựa được cắm vào trong mô dưới da. Kim luồn này sẽ mang theo điện dịch từ mô dưới da để thấm vào cảm biến. Cảm biến phân tích, xử lý kết quả đường huyết từ dịch mô kẽ. Giữa mô kẽ và mạch máu có sự trao đổi chất với nhau nên đường trong mô kẽ sẽ tương đương với đường huyết ở trạng thái ổn định.
Tuy nhiên, sự trao đổi chất này cần có thời gian nên trong trường hợp đường huyết thay đổi quá nhanh và đột ngột, đường huyết trong dịch mô kẽ sẽ không tương đương với đường huyết trong mao mạch mà phản ánh kết quả thường chậm hơn trong khoảng từ 15 - 20 phút.
Minh họa cơ chế hoạt động của thiết bị.
Ưu - nhược điểm của máy theo dõi đường huyết liên tục
Ưu điểm
- Xem được đường huyết mỗi vài phút, bất kể khi nào.
- Bệnh nhân không có cảm giác đau khi phải chích máu từ ngón tay.
- Phương pháp ít xâm lấn hơn.
- Theo dõi đường huyết bất kể nơi đâu, kể cả đi ngoài trời, tại nơi làm việc, đi học.
- Thao tác rất đơn giản, chỉ cần xem trên màn hình điện thoại. Bệnh nhân không phải đem theo những dụng cụ lỉnh kỉnh như kim, bông,...
- Phản ánh thay đổi đường huyết khá chi tiết, rõ ràng như đường huyết sau ăn, sau khi tập thể dục, hay ngủ vào ban đêm,.. Từ đó, bệnh nhân và bác sĩ có những thông tin hữu ích để thay đổi chế độ ăn uống sinh hoạt phù hợp.
- Bệnh nhân cũng chủ động hơn khi thấy những thay đổi đường huyết và có kinh nghiệm kiểm soát đường huyết tốt hơn mà không cần phải chờ đến lịch thăm khám bác sĩ.
- Có khả năng lưu trữ và chuyển tiếp dữ liệu: Các thiết bị đọc kết quả từ máy theo dõi đường huyết liên tục (như điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh) có khả năng kết nối internet và đồng bộ hóa với các thiết bị khác ở xa. Do đó, bác sĩ hoặc người thân của bệnh nhân có thể truy cập các dữ liệu trực tiếp từ máy theo dõi đường huyết của bệnh nhân và đưa ra hỗ trợ cho bệnh nhân.
Nhược điểm
- Máy đo đường huyết liên tục có giá thành khá cao và chưa phù hợp với phần lớn bệnh nhân ở Việt Nam.
- Để sử dụng thiết bị này hiệu quả, bệnh nhân cần được đào tạo, tư vấn và huấn luyện rất nhiều. Đồng thời, bệnh nhân cũng cần có những hiểu biết cơ bản về công nghệ.
- Giá trị đường huyết đo được khi sử dụng loại máy này sẽ chậm hơn kết quả đo đường huyết từ máy đo thông thường khoảng từ 15 - 20 phút.
Bệnh nhân có thể theo dõi đường huyết bất kể khi nào và ở đâu.
Các đối tượng nên sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục trong một số trường hợp dưới đây:
- Bệnh nhân thường xuyên bị hạ đường huyết (Glucose < 3.9 mmol/L) hoặc hạ đường huyết không có triệu chứng.
- Bệnh nhân có chỉ số HbA1c cao ( ⩾ 7,0%) và đường huyết dao động nhiều.
- Bệnh nhân muốn giảm HbA1c < 7,0% mà không gây hạ đường huyết quá mức (Glucose < 3.9 mmol/L).
- Bệnh nhân đái tháo đường trước và trong khi mang thai hoặc bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ.
- Bất kể bệnh nhân nào có HbA1c ⩾ 7,0% và có điều kiện kinh tế để sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục.
- Bệnh nhân đang nằm viện điều trị vì bệnh cấp tính, cần theo dõi đường huyết sát sao.
- Bệnh nhân có mong muốn kiểm soát và quản lý bệnh đái tháo đường tốt hơn.
Bệnh nhân bị tiểu đường thai kỳ nên sử dụng thiết bị này
Cách sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục
Dưới đây là quy trình sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục:
- Bước 1: Lựa chọn vùng da phù hợp để lắp bộ cảm biến (thường trên bụng hoặc cánh tay). Tuy nhiên, bạn cần tránh vị trí bị sẹo, nốt ruồi, cục u, vết trầy xước, chỗ tiêm Insulin…
- Bước 2: Làm sạch vùng da vừa lựa chọn bằng khăn ướt có thấm cồn, chờ cho vùng da này khô.
- Bước 3: Bóc nắp bộ phận cảm biến và vặn vít nút ra khỏi đầu gắn bộ cảm biến.
- Bước 4: Đặt đầu gắn bộ cảm biến lên vùng da đã xác định, dán chắc chắn và sau đó kéo nhẹ nhàng đầu gắn bộ cảm biến ra xa cơ thể của mình.
- Bước 5: Kết nối cảm biến với đầu đọc, kiểm tra và đọc kết quả đo.
Lưu ý khi sử dụng máy đo đường huyết liên tục
Bệnh nhân nên lưu ý một số điều sau:
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Khi có cảnh báo từ máy về mức đường huyết quá cao hoặc quá thấp, bệnh nhân cần chú ý để có hướng xử lý phù hợp hoặc báo ngay cho bác sĩ điều trị.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu thêm về máy theo dõi đường huyết liên tục. Thiết bị này mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân tiểu đường, giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình đường huyết, từ đó có phương án kiểm soát phù hợp. Để biết bí quyết kiểm soát đường huyết hiệu quả, mời bạn gọi đến tổng đài miễn cước 1800.1044 để được các dược sĩ tư vấn tận tình. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: