Insulin là một hormone quan trọng của cơ thể, có tác dụng điều hòa lượng đường trong máu. Tuy nhiên hiện nay nhiều người lại gặp tình trạng kháng insulin khiến họ phải đối diện với rất nhiều vấn đề về sức khỏe. Vậy kháng insulin là gì? Làm thế nào để cải thiện tình trạng kháng insulin? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Kháng insulin là gì?
Kháng insulin là gì?
Insulin là một hormone được sản xuất bởi các tế bào beta đảo tụy, có vai trò quan trọng trong điều hòa cân bằng nồng độ glucose trong máu. Sở dĩ insulin làm được điều đó do nó ức chế sản xuất glucose ở gan và tăng tốc độ hấp thu glucose chủ yếu vào cơ xương và mô mỡ.
Kháng insulin là tình trạng các tế bào trong cơ, mỡ và gan không đáp ứng tác dụng của insulin và không hấp thụ được glucose từ máu. Kết quả là tuyến tụy của bạn tạo ra nhiều insulin hơn để giúp glucose đi vào tế bào. Nếu tuyến tụy không đáp ứng được nhu cầu đó, đường sẽ tích tụ trong máu ngày càng nhiều và gây tăng đường huyết.
Cơ chế kháng insulin
Nguyên nhân chính đứng sau tình trạng kháng insulin là do tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate. Khi đó, lượng glucose trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng.
Để đối phó với tình trạng này, tuyến tụy sẽ phải giải phóng ra nhiều insulin để điều hòa lượng glucose trong máu. Nếu bạn cứ tiếp tục ăn thật nhiều thực phẩm chứa carbohydrate thì cơ thể cần phải tiết ra càng nhiều insulin để điều hòa đường huyết. Nhưng về lâu dài, lượng insulin cao sẽ gây độc cho cơ thể. Lúc này cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách kháng insulin.
Tuy nhiên, sau nhiều năm, tuyến tụy dần kiệt quệ và không thể sản xuất insulin như trước khiến đường huyết tăng cao mà không có biện pháp điều hòa. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến bệnh đái tháo đường tuýp 2.
Các dấu hiệu cảnh báo tình trạng kháng insulin là gì?
Dưới đây là một số dấu hiệu cảnh báo tình trạng kháng insulin:
- Béo bụng: Để nhận biết dấu hiệu này, bạn hãy đứng thẳng và nhìn xuống xem có thấy chân của mình không. Nếu bạn chỉ nhìn thấy bụng và không thể nhìn thấy đôi chân của mình thì có thể bạn đang bị tình trạng kháng insulin.
- Đi tiểu nhiều, kể cả vào ban đêm.
- Có triệu chứng Brain Fog (chứng não sương mù): Đây là tình trạng đầu óc giảm khả năng ghi nhớ, hay quên, thiếu tập trung.
- Cảm thấy bị đói liên tục: Thường xuyên cảm thấy thèm ăn đồ ngọt, khoai tây chiên hoặc bánh quy, đặc biệt là vào ban đêm.
- Cảm thấy mệt mỏi sau khi ăn.
- Ngứa ran và tê bì ở bàn chân, bàn tay.
Béo bụng là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng kháng insulin.
Kháng insulin ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ?
Tình trạng kháng Insulin mang đến nhiều mối nguy hại cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như:
- Bệnh tiểu đường tuýp 2 (nguy cơ cao nhất).
- Các bệnh tim mạch như: Bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
- Gan nhiễm mỡ.
- Rối loạn lipid máu.
- Béo phì.
- Hội chứng buồng trứng đa nang.
- Một số bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tử cung và ung thư gan.
Đối tượng nào hay gặp tình trạng kháng insulin?
Một số đối tượng dễ gặp phải tình trạng kháng insulin là:
- Người thừa cân, béo phì (đặc biệt ở vùng bụng).
- Người trên 45 tuổi.
- Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
- Người ít vận động.
- Người bị tiểu đường thai kỳ, gan nhiễm mỡ hoặc tiền sử gia đình có người mắc bệnh tiểu đường.
- Người thường xuyên hút thuốc.
- Người sử dụng thuốc chống loạn thần, thuốc steroid, thuốc điều trị HIV…
- Người gặp vấn đề về giấc ngủ (ngưng thở khi ngủ).
Biện pháp cải thiện tình trạng kháng insulin
Để cải thiện tình trạng kháng insulin, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:
Về lối sống
- Thực hiện giảm cân ở người có chu vi vòng eo lớn hơn 100cm (đối với nam giới) và trên 90cm (đối với nữ giới) hoặc với những người có chỉ số khối BMI trên 30. Biện pháp tối ưu là kết hợp chế độ ăn uống khoa học và tập thể dục thường xuyên.
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng độ nhạy của cơ thể với insulin. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên tập ít nhất 5 buổi/tuần, mỗi buổi ít nhất 30 phút.
- Luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
- Đi ngủ và thức dậy có giờ giấc khoa học, ngủ đủ giấc.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để nắm bắt tình hình thể trạng một cách chính xác hơn.
Về chế độ ăn uống
- Ăn uống vừa đủ dinh dưỡng và calo cần thiết cho cơ thể. Bạn nên tham khảo nguyên tắc “ăn no 8 phần”- mỗi bữa ăn hãy ngừng lại khi cảm thấy đã no 70 đến 80%.
- Hạn chế ăn thức ăn chứa nhiều tinh bột, chất béo bão hòa, đường ở trong chế độ ăn.
- Ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ và khoáng chất như: Ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau củ, trái cây ít ngọt, sữa ít béo,…
Ăn nhiều rau để bổ sung chất xơ
- Bổ sung thêm một số nguyên tố vi lượng trong bữa ăn hàng ngày như crom, kẽm,...
>>> Xem thêm: Đảo ngược tình trạng kháng insulin để chống lại bệnh tiểu đường.
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng kháng insulin, các tác hại và biện pháp phòng ngừa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu, nghi ngờ nào bạn hãy đến gặp bác sĩ tư vấn, xét nghiệm để có thể phát hiện và điều trị kịp thời. Bạn cũng đừng quên tạo một thói quen bền vững trong việc kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể chất, thực hiện lối sống, chế độ dinh dưỡng lành mạnh nhé!