Uốn ván là một bệnh lý nguy hiểm, đã có không ít trường hợp nhiễm uốn ván dẫn đến tính mạng nguy kịch chỉ từ một vết thương nhỏ như gai đâm, đứt tay, trầy xước do ngã xe… Chính vì vậy, tìm hiểu kỹ về các yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh và thời điểm tiêm phòng uốn ván là điều cực kỳ cần thiết.
Những điều cần biết về bệnh uốn ván và tiêm phòng uốn ván
Uốn ván là bệnh gì?
Uốn ván là một bệnh lý nhiễm trùng cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) xâm nhập và phát triển từ các vết thương hở trong điều kiện yếm khí.
Bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, nhất là ở những vùng nông thôn và vùng nhiệt đới, nơi mà sự chăm sóc y tế cũng như ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao.
Tỷ lệ tử vong do uốn ván cao nhất ở đối tượng trẻ sơ sinh và người cao tuổi (trên 60 tuổi). Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào những năm cuối thế kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ sơ sinh tử vong do uốn ván bắt nguồn từ viêm nhiễm trong quá trình cắt dây rốn và chăm sóc, vệ sinh rốn không sạch sẽ.
Vi khuẩn uốn ván xâm nhập cơ thể bạn như thế nào?
Vi khuẩn uốn ván tồn tại ở khắp mọi nơi xung quanh chúng ta, chúng xuất hiện trong đất, đất bón phân, bề mặt kim loại, hoặc cả nước bọt của động vật. Khi con người gặp các vết thương ngoài da, nếu không được chăm sóc cẩn thận thì đây là vị trí thuận lợi để vi khuẩn uốn ván xâm nhập và gây bệnh.
Khi xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh của uốn ván có thể rơi vào từ 3 đến 21 ngày, trung bình là 10 ngày. Tuy nhiên vết thương càng lớn, nhiễm bẩn càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn và tiên lượng càng xấu hơn.
Các vết thương hở có thể dẫn đến nhiễm uốn ván bao gồm:
- Gãy xương hở
- Vết cắn của động vật
- Bỏng hoặc các vết thương bị nhiễm bụi bẩn, đất, phân động vật, gai đâm, vết cắt do gai đâm, dao cắt bị rỉ sắt…
- Vết chích da do tiêm chích, vết thương do phẫu thuật, sinh đẻ, nạo phá thai
- Vết loét do các bệnh lý nội khoa như đái tháo đường, ung thư vú, suy giãn tĩnh mạch…
Triệu chứng bệnh uốn ván
Uốn ván ở trẻ sơ sinh
Trẻ vẫn bú mẹ và khóc bình thường trong 2 ngày đầu. Nhưng bắt đầu từ ngày thứ 3 đến 28 sau sinh, bệnh khởi phát với triệu chứng đầu tiên là cứng hàm làm cho trẻ không bú được, co cứng toàn thân, người ưỡn cong, co giật và có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị đúng cách.
Uốn ván ở trẻ sơ sinh có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời
Bệnh uốn ván ở người lớn và trẻ em
Sau thời gian ủ bệnh, uốn ván sẽ bắt đầu khởi phát với những cơn co thắt hoặc co giật, kéo dài trong khoảng 1-7 ngày, đây được gọi là giai đoạn khởi phát. Giai đoạn khởi phát của uốn ván càng ngắn (dưới 2 ngày) thì tiên lượng bệnh càng xấu, nguy cơ tử vong cao.
Đặc trưng của uốn ván là bệnh nhân có nét mặt “cười nhăn” do sự co cứng các cơ hàm và các cơ ở mặt. Sau đó sự co cứng lan tới các cơ vùng gáy, cơ lưng, cơ bụng, nhưng đôi khi sự co cứng chỉ khu trú ở các cơ gần vùng có vết thương. Tùy theo vị trí các cơ bị co, bệnh nhân sẽ có những tư thế đặc biệt như: cong ưỡn người ra sau; cong người sang một bên; gập người ra phía trước, thẳng cứng cả người như tấm ván. Các yếu tố bên ngoài làm kích thích các cơn co giật toàn thân bao gồm sự va chạm, ánh sáng chói, tiếng động ồn ào…
Biến chứng của bệnh uốn ván
Bên cạnh nguy cơ tử vong cao, người bệnh uốn ván nếu không được điều trị kịp thời cũng sẽ phải đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm phổi: người bệnh hít phải dịch tiết dạ dày dẫn tới nhiễm trùng đường hô hấp và nguy hiểm hơn là viêm phổi.
- Các cơn co thắt thanh quản gây khó thở, ngạt thở. Điều này đặc biệt nguy hiểm ở những người bệnh có bệnh lý nền đường hô hấp như viêm phế quản mãn tính, hen phế quản, phổi tắc nghẽn mãn tính COPD.
- Nếu nhiễm trùng lan tới não, người bệnh sẽ có các biểu hiện tương tự bệnh động kinh.
- Thuyên tắc phổi: do sự co thắt của các mạch máu trong phổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.
- Suy thận
Phòng ngừa uốn ván bằng quy trình 4 bước sau khi bị thương
Chi phí điều trị cho bệnh nhân uốn ván là khá lớn và mất thời gian. Với những trường hợp bệnh nhân chưa phải thở máy thì chi phí điều trị theo thống kê là 20-50 triệu đồng, còn những trường hợp uốn ván nặng cần thở máy thì chi phí có thể lên tới 200-300 triệu đồng.
Do đó, sau khi gặp một tai nạn, chấn thương hở có nguy cơ nhiễm uốn ván thì bạn cần ngay lập tức xử trí theo 04 bước sau đây.
Quy trình xử trí vết thương phòng uốn ván
- Bước 1: cần rửa sạch vết thương bằng nước sạch để loại bỏ chất bẩn, dị vật bám trên vết thương
- Bước 2: sát trùng vết thương bằng oxy già
- Bước 3: để vết thương hở, không bịt kín vì vi khuẩn uốn ván phát triển và tiết độc tố trong môi trường yếm khí (tức là thiếu oxy)
- Bước 4: tiêm phòng uốn ván
Tiêm phòng uốn ván
Hiện nay, tiêm phòng chính là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh uốn ván.
Tiêm phòng uốn ván chủ động giúp phòng ngừa nguy cơ bị uốn ván cho mẹ và uốn ván sơ sinh cho con bởi trẻ sơ sinh cũng sẽ nhận được một phần khả năng miễn dịch từ mẹ. Trẻ sau khi sinh đủ tháng sẽ được tiêm phòng uốn ván thêm một lần nữa qua mũi tiêm 6 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não do vi khuẩn Hib.
Đối với người trưởng thành, tiêm phòng uốn ván nhắc lại sau 5-10 năm là điều cần thiết, đặc biệt ở những người phải làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh cao.
Một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm đó là: “Nếu chẳng may gặp một tai nạn lao động hoặc một chấn thương có nguy cơ mắc uốn ván thì cần tiêm phòng trong khoảng thời gian bao lâu?”.
Câu trả lời như sau: Thời gian tốt nhất để việc tiêm phòng có hiệu quả là trong vòng 24 giờ sau khi bị thương. Sau khi thực hiện 3 trong 4 bước đã hướng dẫn phía trên, bạn cần ngay lập tức tới cơ sở y tế gần nhất để thực hiện việc tiêm phòng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể tiêm phòng sau 24 giờ, nhưng lúc này khả năng bảo vệ của vacxin sẽ thấp hơn.
Uốn ván tuy là bệnh lý nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tự bảo vệ bản thân và người thân khi được trang bị đầy đủ những kiến thức về căn bệnh này. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ 1800 1044 (miễn cước) để được giải đáp. Cám ơn các bạn đã đón xem!
XEM THÊM: