Gặp vô số phiền phức vì chứng tăng tiết mồ hôi - Bạn cần làm gì để khắc phục?

Cập nhập: Thứ năm, 16/02/2023

 

    Mồ hôi thường tiết ra nhiều khi chúng ta hoạt động thể lực hay trong thời tiết nóng bức. Điều này sẽ giúp làm giảm bớt nhiệt độ của cơ thể một cách tự nhiên. Tuy vậy, một số người lại bị ra mồ hôi nhiều bất thường, khiến họ gặp không ít phiền phức trong cuộc sống hàng ngày. Trong bài viết dưới đây, chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết hơn về chứng tăng tiết mồ hôi, cũng như cách khắc phục nhé! 

 

chứng tăng tiết mồ hôi

Gặp vô số phiền phức vì chứng tăng tiết mồ hôi - Bạn cần làm gì để khắc phục?

 

Tăng tiết mồ hôi - Khi nào là bất thường?

   Tuyến mồ hôi là một tuyến ngoại tiết với số lượng lớn nhất trong cơ thể. Mỗi người có khoảng 3 triệu tuyến mồ hôi, được phân bố khắp mọi nơi. Trong đó, vùng trán, lòng bàn tay, bàn chân và quanh bụng, lưng là những nơi tập trung nhiều tuyến mồ hôi nhất.

   Tuyến mồ hôi được chia thành 2 loại gồm:

  • Tuyến eccrine xuất hiện hầu hết ở cơ thể và mở trực tiếp trên bề mặt da.
  • Tuyến apocrine tiết ra chất nhờn có chứa lipid, protein, steroid qua các ống lông tại khu vực da đầu, nách, bẹn. Tuyến này thường sẽ đáp ứng với các kích thích cảm xúc như lo lắng hay sợ hãi.

   Nhiệm vụ hàng đầu của tuyến mồ hôi là ổn định thân nhiệt ở mức khoảng 37°C. Đây chính lý do vì sao khi chúng ta hoạt động thể lực, hay ở trong môi trường nóng bức, cơ thể sẽ tăng tiết mồ hôi.

   Với thành phần chính có đến 99% là nước, 1% là các chất điện giải, bề mặt da sẽ được làm mát khi nước trong mồ hôi bay hơi. Bên cạnh tác dụng làm mát, tiết mồ hôi cũng là một cách để cơ thể đào thải các chất cặn bã, mầm bệnh hay khoáng chất dư thừa trong cơ thể.

   Thông thường, lượng mồ hôi mà cơ thể tiết ra được điều chỉnh dựa theo nhiệt độ môi trường và mức độ hoạt động thể chất. Tuy nhiên, ở một số người, họ lại ra mồ hôi rất nhiều, ngay cả trong điều kiện bình thường, thời tiết mát mẻ, hay đang nghỉ ngơi. Trường hợp này chính là một biểu hiện của tình trạng tăng tiết mồ hôi một cách bất thường.

 

Tăng tiết mồ hôi ảnh hưởng gì đến người mắc?

    Chúng ta có thể thấy, việc tăng tiết mồ hôi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người mắc đầu tiên. Nó khiến cho người bệnh luôn cảm thấy khó chịu và phiền phức vì phải lau mồ hôi liên tục, vừa lau xong lại ra mồ hôi tiếp.

   Bàn tay bị ra mồ hôi nhiều sẽ trở nên ướt và dính, nhất là đối với các em học sinh đi học thì sẽ khiến các em gặp phải rất nhiều khó khăn khi viết bài. Nếu mồ hôi ra nhiều ở vùng nách sẽ có thể để lại mùi cơ thể, khiến nhiều người ái ngại. Mồ hôi trên người tăng tiết có thể gây ướt cổ áo, ngực, nách, lưng khiến người bệnh không còn thấy tự tin, e sợ khi giao tiếp, gặp gỡ người khác.

    Chân bị ra mồ hôi cũng có thể gây mùi khó chịu, đặc biệt là vào mùa đông, khi người bệnh phải đi tất và giày. Việc ra mồ hôi nhiều còn có thể làm tăng khả năng bị nhiễm nấm tại những vùng có nếp gấp, kẽ như giữa 2 ngón chân, bẹn,... Nhiễm trùng trên da do vi khuẩn cũng có thể xảy ra khi bị tăng tiết mồ hôi.

 

Tăng tiết mồ hôi

Tăng tiết mồ hôi sẽ gây nhiều phiền phức cho người bệnh

 

Nguyên nhân gây tăng tiết mồ hôi là gì?

   Tình trạng tăng tiết mồ hôi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Theo đó, các nguyên nhân này có thể kể đến như:

Tăng tiết mồ hôi nguyên phát

   Tăng tiết mồ hôi nguyên phát có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền. Một số nghiên cứu cho thấy, nếu cha mẹ từng bị chứng tăng tiết mồ hôi thì nguy cơ con cái họ sẽ thừa hưởng gen này là khoảng 28%.

    Bên cạnh đó, chức năng của hệ thống thần kinh thực vật bị rối loạn (cường giao cảm) cũng gây nên chứng tăng tiết mồ hôi. Thông thường, hệ giao cảm sẽ gửi tín hiệu thông qua các hạch thần kinh để chỉ huy tuyến mồ hôi bài tiết khi nóng. Tuy nhiên, vì hệ giao cảm hoạt động quá mức nên đã làm thay đổi tín hiệu truyền đi. Hậu quả cuối cùng là mồ hôi bài tiết liên tục không kiểm soát. Mồ hôi có thể tiết ra nhiều ở tay chân, nách, đầu, mặt, trán hoặc là toàn cơ thể.

   Ngoài ra, yếu tố tinh thần, cảm xúc lo âu, căng thẳng thường xuyên cũng là những tác nhân kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn. Đồng thời, người mắc chứng tăng tiết mồ hôi cũng hay cảm thấy hồi hộp, lo lắng, bồn chồn hơn do hệ thần kinh bị rối loạn. Việc sử dụng rượu bia, cà phê, hay thiếu ngủ cũng có thể góp phần gây ra chứng tăng tiết mồ hôi.

Tăng tiết mồ hôi thứ phát

   Tình trạng tăng tiết mồ hôi thứ phát có thể xuất hiện sau khi người bệnh mắc phải một số bệnh lý khác hoặc do dùng thuốc. Nếu mắc tiểu đường, người bệnh có thể bị tăng tiết mồ hôi vào ban đêm, hoặc khi bị hạ đường huyết quá mức do dùng các loại thuốc như insulin, sulfonylureas,...

   Những người bị béo phì, thừa cân cũng có thể bị tăng tiết mồ hôi do lượng chất béo dư thừa làm tăng nhiệt độ cơ thể. Phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, tiền mãn kinh cũng có thể ra mồ hôi nhiều hơn, kèm theo tình trạng bốc hỏa. Một số bệnh lý khác cũng có thể gây tăng tiết mồ hôi như: Bất thường tại tuyến giáp, bệnh tim mạch, nhiễm trùng, ung thư, giảm chức năng hô hấp, Parkinson,...

   Các loại thuốc có thể khiến bạn tăng tiết mồ hôi gồm có: Thuốc điều trị bệnh Alzheimer, chống trầm cảm, Pilocarpine dùng để chữa bệnh tăng nhãn áp,...

 

Một số loại thuốc có thể làm tăng tiết mồ hôi

Một số loại thuốc có thể làm tăng tiết mồ hôi

 

Điều trị tình trạng tăng tiết mồ hôi bằng cách nào?

   Tình trạng tăng tiết mồ hôi ở mức độ nhẹ thường chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày của người mắc. Tuy nhiên, nếu tăng tiết mồ hôi kèm theo các vấn đề khác như: sụt cân bất thường, ra nhiều trong lúc ngủ, sốt, đau tức ngực, khó thở, tim đập nhanh,... thì bạn nên đi khám sớm nhất có thể.

    Các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp với tình trạng của bạn. Một số phương pháp điều trị có thể kể đến là:

Dùng thuốc có chứa muối nhôm clorua

   Loại thuốc này sẽ giúp thấm hút mồ hôi. Dung dịch này thường được sử dụng mỗi ngày 1 lần trước khi ngủ bằng cách thoa lên vùng da bị ảnh hưởng. Bạn có thể cần duy trì việc sử dụng thuốc mỗi tuần 1 lần sau khi đã có hiệu quả. Tuy nhiên, loại thuốc này rất dễ gây kích ứng và viêm da.

Thuốc kháng cholinergic

   Loại thuốc này sẽ được sử dụng để giúp giảm tình trạng tăng tiết mồ hôi toàn thân. Nó có tác dụng ngăn chặn hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine. Một số tác dụng phụ của loại thuốc này là chóng mặt, táo bón, khô miệng,...

Thuốc thoa dạng kem chứa glycopyrrolate

   Loại thuốc này có thể hiệu quả với tăng tiết mồ hôi vùng mặt và đầu. Tuy nhiên, thuốc này không được sử dụng ở những người bị tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt, co thắt ống thực quản, liệt ruột, viêm loét đại tràng mãn tính nặng, phình đại tràng, tim mạch không ổn định, suy nhược, nhược cơ.

Tiêm botox

   Phương pháp này thường được sử dụng trong trường hợp tăng tiết mồ hôi ở nách, nhờ tác động lên các dây thần kinh kích thích tuyến mồ hôi. Hiệu quả này có thể kéo dài khoảng 6 - 12 tháng, sau đó bạn sẽ phải tiêm nhắc lại.

Liệu pháp vi sóng

   Phương pháp này được dùng để phá huỷ các tuyến mồ hôi. Liệu trình điều trị gồm 2 đợt, mỗi đợt kéo dài từ 20 - 30 phút, và cách nhau 3 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, nó thường ít được sử dụng.

Loại bỏ tuyến mồ hôi

   Nếu tình trạng tăng tiết mồ hôi chỉ xảy ra ở vùng dưới cánh tay thì việc loại bỏ tuyến mồ hôi có thể hiệu quả. Đồng thời, phương pháp này cũng có thể được lựa chọn nếu người bệnh không đáp ứng với các cách điều trị khác. Nạo hút tuyến mồ hôi là kỹ thuật ít xâm lấn và ít gây ảnh hưởng nhất đến người bệnh.

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm

   Đây là phẫu thuật nội soi lồng ngực được chỉ định để điều trị mồ hôi nhiều tại hai lòng bàn tay và nách, bằng cách hủy các hạch từ đốt sống ngực L2 đến L4. Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có thể được sử dụng để giảm mồ hôi chân nhờ hủy các hạch vùng thắt lưng. Tuy nhiên, trường hợp giảm mồ hôi chân rất ít được sử dụng hiện nay vì có thể gây biến chứng nguy hiểm.

   Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và đặt máy thở nội khí quản. Bác sĩ sẽ rạch 2 vết mổ nhỏ ở vùng da dưới cánh tay để luồn ống nội soi vào trong lồng ngực. Một bên phổi sẽ được làm xẹp để giúp tăng không gian trống cho phẫu thuật. Thiết bị nội soi có gắn camera, giúp bác sĩ dễ dàng quan sát được vị trí của hạch giao cảm trên màn hình, và phá hủy chúng bằng cách đốt điện hoặc cắt bỏ. Bác sĩ tiến hành thông khí trở lại cho phổi, đóng vết mổ và đặt ống dẫn lưu. Sau khi kết thúc một bên, bên phổi còn lại sẽ được thực hiện tương tự nhằm hủy hết 2 chuỗi hạch giao cảm.

   Ưu điểm của phẫu thuật nội soi là tính thẩm mỹ cao, thời gian phẫu thuật nhanh, hiệu quả gần như tức thời và tỷ lệ tái phát thấp. Tuy nhiên, cắt hạch giao cảm không thể trị khỏi hoàn toàn chứng tăng tiết mồ hôi.

   Theo các báo cáo, vẫn có một tỷ lệ nhỏ tái phát đổ mồ hôi tay hoặc không đáp ứng với phẫu thuật do chưa hủy hết hạch giao cảm. Tình trạng phổ biến nhất là bị tiết mồ hôi bù trừ ở những nơi khác trên cơ thể, thường gặp ở 50 - 90% người bệnh sau phẫu thuật.

 

Phẫu thuật cắt hạch

Phẫu thuật cắt hạch giao cảm giúp ngăn ngừa tiết mồ hôi vùng nách và tay

 

   Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, bạn có thể kết hợp một số giải pháp tại nhà để giúp giảm tiết mồ hôi và ảnh hưởng từ nó như: Mặc trang phục rộng rãi, thoáng mát, mang loại tất có khả năng hút ẩm tốt, tắm từ 1 - 2 lần mỗi ngày bằng xà phòng diệt khuẩn, sử dụng miếng lót cho vùng nách và lót giày, hạn chế ăn các loại thực phẩm cay, đồ uống có cồn, cafein,...

   Hy vọng, bài viết trên đã cung cấp thêm những thông tin cần thiết cho quý độc giả về tình trạng tăng tiết mồ hôi và cách điều trị. Nếu cần được hỗ trợ về các vấn đề sức khỏe, xin quý độc giả vui lòng gọi điện đến số hotline miễn cước 1800.1044 để được giải đáp nhanh nhất. Cảm ơn quý độc giả!

 

XEM THÊM:

 

Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844