Ngày Tết, tâm lý mọi người thường ngại đến bệnh viện vì cho rằng không may mắn. Bởi vậy mà khi con cái có vấn đề gì, đau tức ở vùng kín, họ vẫn chủ quan, không đưa trẻ đi thăm khám sớm. Cuối cùng, đứa trẻ phải chịu hậu quả nghiêm trọng là hoại tử do xoắn tinh hoàn.
Vì ngại khám bệnh ngày Tết, bé trai bị hoại tử tinh hoàn
Bé trai bị hoại tử tinh hoàn do ngại khám bệnh ngày tết
Trong 7 ngày nghỉ Tết, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 3 bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn nhưng đến khám muộn, phải cắt bỏ bộ phận này.
Trường hợp đầu tiên là bé trai 14 tuổi, ở Hòa Bình. Lúc đầu, em bị đau đột ngột vùng tinh hoàn trái, lan lên bụng theo đường đi của thừng tinh, đôi khi đau quặn thành cơn. Cơn đau xuất hiện vào đúng dịp Tết nên phụ huynh chủ quan. Đồng thời, họ sợ không may mắn khi đầu xuân năm mới lại vào bệnh viện. Vì vậy mà em không được đi khám ngay.
Hai ngày sau, bệnh nhân đến viện trong tình trạng đau đớn, tinh hoàn trái sưng to, da bìu nóng đỏ. Bác sĩ thăm khám thì phát hiện ra bé trai bị xoắn tinh hoàn đã hoại tử, phải cắt bỏ tinh hoàn trái.
Trường hợp tương tự là thanh niên 23 tuổi ở Thái Nguyên và người đàn ông 43 tuổi ở Bắc Ninh. Chỉ vì tâm lý ngại thăm khám mà tình trạng xoắn tinh hoàn tiến triển thành hoại tử, phải cắt bỏ.
Các bác sĩ cho biết, khi phẫu thuật, tinh hoàn của người bệnh đã tím đen do xoắn trong bao thừng tinh, không thể bảo tồn được nữa, bắt buộc phải loại bỏ. Tình trạng này là do thời gian đến viện quá muộn, rất đáng tiếc.
Xoắn tinh hoàn là bệnh như thế nào?
Xoắn tinh hoàn là tình trạng tinh hoàn tự xoay quanh trục, gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh. Theo đó, lượng máu đến bộ phần này bị giảm đi, gây đau tức, sưng tinh hoàn.
Xoắn tinh hoàn thường được chia làm 2 nhóm như sau:
- Xoắn ngoài tinh mạc: Do dây chằng bìu tinh hoàn chưa được cố định hoàn toàn, tinh hoàn tự do di chuyển và tự xoay quanh trục trong bìu dẫn tới tình trạng xoắn lại. Loại này thường chỉ gặp ở trẻ nhỏ.
- Xoắn trong tinh mạc: Loại này hay gặp ở nam giới và thanh niên trưởng thành. Xoắn tinh mạc xảy ra do sự bất thường của thừng tinh và tinh mạc bám cao, làm cho tinh hoàn di động như quả lắc, dễ xoắn lại.
Xoắn tinh hoàn gây đau và sưng tinh hoàn
Bệnh thường gặp ở tuổi dậy thì với dấu hiệu tương đối rõ ràng bao gồm:
- Xuất hiện cơn đau dữ dội và đột ngột ở 1 bên tinh hoàn, kéo dài không quá 6 giờ.
- Bìu sưng to.
- Buồn nôn và ói mửa.
- Đau bụng.
- Một bên tinh hoàn có vị trí cao hơn bình thường.
Yếu tố nguy cơ gây xoắn tinh hoàn xảy ra khá đa dạng, chẳng hạn như:
- Chấn thương bìu.
- Hoạt động thể chất không phù hợp, cơ thể vận động mạnh.
- Mắc tình trạng tinh hoàn lạc chỗ.
- Cuống mạch tinh hoàn quá dài.
- Tuổi tác: Thường gặp ở lứa tuổi khoảng từ 10-25 tuổi.
- Tiền sử bị xoắn tinh hoàn
- Nguyên nhân di truyền
- …
Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ phải đối mặt với các biến chứng như phù nề, xung huyết, hoại tử tinh hoàn và các mô xung quanh, nhiễm trùng, biến dạng tinh hoàn, vô sinh thứ phát.
Cách chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn là gì?
Cách chẩn đoán và điều trị xoắn tinh hoàn
Để chẩn đoán xoắn tinh hoàn, bác sĩ sẽ dựa vào các dấu hiệu như:
- Những triệu chứng lâm sàng: Tinh hoàn một bên bị xoắn đau dữ dội và đột ngột, cao hơn bên còn lại. Bìu một bên xoắn to đau, mất phản xạ da bìu.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng như: Siêu âm Doppler màu có thể thấy hình ảnh thiếu máu nuôi tinh hoàn, mào tinh và thừng tinh căng to, tổn thương do xoắn tinh hoàn.
Hiện nay, xoắn tinh hoàn được điều trị chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật gỡ xoắn. Khi người bệnh đến thăm khám kịp thời, cách này sẽ xử trí triệt để vấn đề, thời gian phục hồi ngắn. Tuy nhiên, nếu bạn để tình trạng xoắn quá lâu, tinh hoàn sẽ bị hoại tử và phải cắt bỏ. Tỷ lệ xử trí xoắn tinh hoàn tính theo từng mốc thời gian, cụ thể:
- 6 giờ đầu tiên kể từ lúc bệnh nhân có biểu hiện đau: Đây là khoảng thời gian vàng để cấp cứu xoắn tinh hoàn, tỷ lệ chữa trị thành công cao.
- Khoảng 6-12 giờ tiếp theo: Khả năng cứu tinh hoàn chỉ còn 50%.
- Khoảng 12-24 giờ: Tỷ lệ cứu được tinh hoàn chỉ còn 20%.
- Sau 24 giờ tính từ lúc có dấu hiệu đau: Nguy cơ cao không cứu được tinh hoàn.
Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo nam giới cần đến viện thăm khám nếu có dấu hiệu đau tức bất thường ở vùng kín, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn ở nam giới là gì?
Cách phòng ngừa xoắn tinh hoàn ở nam giới
Hiện nay, chưa có biện pháp cụ thể nào để phòng ngừa tình trạng xoắn tinh hoàn. Dựa vào một số yếu tố nguy cơ đã được chúng tôi thông tin ở trên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp như:
- Tránh các hoạt động và chơi các môn thể thao có thể gây chấn thương vùng bìu, nếu muốn chơi thì cần phải có đồ bảo hộ cẩn thận.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng bìu vào mùa lạnh, nhưng không được để vùng bìu quá nóng để tránh ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh trùng.
- Nếu trong gia đình có người bị xoắn tinh hoàn, hãy đặc biệt chú ý đến triệu chứng sưng đau đột ngột vùng bìu. Khi có biểu hiện này, hãy đi khám sớm để được xử lý sớm.
Như vậy, tâm lý ngại ngùng đi bệnh viện ngày Tết có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Do đó, dù là thời điểm nào, nếu xuất hiện triệu chứng bất thường, nhất là ở vùng kín, bạn nên đi thăm khám sớm để được xử trí kịp thời, tránh trường hợp bị xoắn tinh hoàn dẫn đến biến chứng hoại tử.
XEM THÊM: