Nồi cơm tách đường được quảng cáo là có thể tách được 20 - 30% lượng đường trong cơm ăn hàng ngày mà vẫn giữ được phần lớn các chất dinh dưỡng như: Protein, lipit, khoáng chất và các vitamin ở gạo, do đó tốt cho bệnh nhân tiểu đường. Vậy, thực hư câu chuyện trên như thế nào? Liệu những chiếc nồi cơm điện tách đường có tốt cho bệnh nhân tiểu đường như quảng cáo?
“Nồi cơm điện tách đường” có thật sự thần kỳ như quảng cáo?
Nồi cơm tách đường được quảng cáo tràn lan trên thị trường
Theo báo cáo của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, tiểu đường là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới đang gia tăng nhanh chóng và trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng cần đặc biệt quan tâm. Căn bệnh này đang là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hiện nay, làm gia tăng gánh nặng y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Theo số liệu của Hiệp hội Phòng chống Đái tháo đường Thế giới, trên toàn cầu cứ 10 người trưởng thành thì có hơn một người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2021.
Không nằm ngoài xu thế đó, tỷ lệ người mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh không chỉ xuất hiện ở khu vực đô thị mà còn xuất hiện ở hầu khắp các khu vực từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Căn bệnh này gây nên nhiều tác hại cho sức khỏe, tàn phế, thậm chí tử vong bởi thường được chẩn đoán, điều trị muộn.
Nắm bắt tâm lý đó, thời gian vừa qua trên thị trường xuất hiện nhan nhản các thương hiệu nồi cơm điện được quảng cáo là có thể tách được từ 20 - 30% lượng đường trong cơm ăn hằng ngày mà vẫn giữ được phần lớn các chất dinh dưỡng như: Protein, lipit, khoáng chất và các vitamin ở gạo. Với tác dụng đó thì giá của dòng sản phẩm này cũng không hề rẻ, từ 3 đến 5 triệu đồng.
Cũng theo thông tin từ các website quảng cáo, nguyên lý hoạt động của loại nồi cơm này khá cầu kỳ với 4 giai đoạn:
- Bước 1: Gia nhiệt: Khi gạo được nấu trong môi trường nước với nhiệt độ vừa phải nhất, giúp loại bỏ nhiều nhất lượng đường từ tinh bột xấu mà vẫn giữ được chất dinh dưỡng của cơm.
- Bước 2: Phân tách hoàn toàn tự động: Giúp kiểm soát được nhiệt độ, làm giảm lượng Amylopectin tự phân tách ra khỏi từng hạt gạo và vẫn giữ được hàm lượng Amylose trong gạo.
- Bước 3: Loại bỏ nhờ hệ thống thoát nước thông minh được tích hợp trong nồi cơm điện tách đường sẽ tự động loại bỏ và ngăn hoàn toàn nước và tất cả tinh bột tiêu hóa nhanh trở lại vào cơm.
- Bước 4: Làm chín gạo và tạo ra phần thơm ngon và an toàn cho người dùng.
Nguyên lý của “nồi cơm điện tách đường”.
Những lời quảng cáo trên đã đánh vào tâm lý của người tiêu dùng, đặc biệt những người mắc bệnh tiểu đường, người ăn kiêng. Do vậy, không ít người tiêu dùng đã sẵn sàng “rút hầu bao” để mua nồi cơm tách đường về sử dụng, song chất lượng và tính năng của sản phẩm có đúng như quảng cáo thì ít ai biết.
Nồi cơm điện tách đường: Chuyên gia nói gì?
Theo cơ chế được miêu tả ở trên thì nguyên lý hoạt động thực tế của loại nồi cơm điện này chính là chắt nước cơm trong quá trình nấu rồi bỏ đi. Vậy thực tế nồi cơm điện tách đường này có thật sự thần kỳ như quảng cáo hay không?
Trả lời cho vấn đề này, Tiến sĩ chuyên ngành Sinh Hóa Nguyễn Trung Sơn (Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội) cho biết: “Tinh bột (gạo) làm gì có đường, phải khi vào trong cơ thể tinh bột mới chuyển hóa thành đường và quá trình này cần phải có enzym”. Theo vị chuyên gia này, tinh bột được cấu thành từ hai thành phần Amylose và Amylopectin. Chúng chỉ chuyển hóa thành đường trong phương pháp thủy phân hoặc là dưới sự xúc tác của axit loãng (thường dùng HCL) hoặc sử dụng enzym (đây là phản ứng chính trong cơ thể con người). Còn khi nấu cơm, bản chất của quá trình này chỉ làm tinh bột “trương lên” chứ không thể sản sinh đường. Vì vậy, nguyên lý hoạt động của nồi cơm điện tách đường hoàn toàn là bất khả thi.
Cùng quan điểm, PGS. TS Phạm Duy Thịnh - Viện công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết: “Trong cơm, hàm lượng đường rất ít, không đáng bao nhiêu. Ngoài ra, cơm gạo phải vào cơ thể mới chuyển hóa thành đường được, người ta gọi đây là hiện tượng tiêu hóa chậm”.
Các chuyên gia còn cho biết thêm việc gạn nước để tách đường trong tinh bột cơm gạo tưởng rằng tốt nhưng thực chất lại “lợi bất cập hại” bởi lượng nước cơm trong quá trình nấu vốn chứa rất nhiều dinh dưỡng tốt cho cơ thể, đặc biệt là vitamin B. Điều này khiến cho người ăn cơm từ gạo bị gạn, tách sẽ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, thiếu hụt năng lượng. Ngoài ra, nếu chỉ có một thao tác là chắt bỏ nước cơm khi đang sôi thì chúng ta hoàn toàn không cần đến một chiếc nồi quá đắt so với nồi cơm thông thường.
Về chế độ ăn uống cho người bệnh tiểu đường, bác sĩ Nguyễn Huy Cường - nguyên bác sĩ Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bất cứ ai cũng cần ăn đủ chế độ dinh dưỡng đường, đạm, chất béo và vitamin. Nếu những người bị tăng đường huyết cần giảm lượng đường thì không cần nồi cơm điện tách đường chỉ cần giảm ½ khẩu phần tinh bột hàng ngày thay bằng rau, củ. Ngoài ra, người bệnh phải vận động thể lực tích cực, đi bộ nhiều, không nên tin vào quảng cáo với “nồi cơm tách đường”, kẻo lại rước họa vào thân.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nồi cơm điện tách đường. Người bệnh tiểu đường không nên tin vào những chiêu trò quảng cáo “nồi cơm điện tách đường”, mua những sản phẩm này sử dụng mà bỏ qua chế độ ăn ít tinh bột đã được bác sĩ khuyến cáo. Nếu cần được tư vấn thêm về các biện pháp kiểm soát bệnh tiểu đường, bạn hãy gọi đến tổng đài miễn cước 1800.1044. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM: