Người bệnh tiểu đường thường được hướng dẫn để chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp vì nó ít ảnh hưởng đến đường huyết sau ăn. Tuy nhiên, chỉ số GI lại chưa phản ánh được số lượng được phép ăn của một loại thức ăn cụ thể. Để giải quyết vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã phát triển khái niệm “tải lượng đường huyết”. Vậy cụ thể tải lượng đường huyết là gì? Làm thế nào để tính được tải lượng đường huyết của thực phẩm? Mời bạn theo dõi bài viết sau!
Tải lượng đường huyết là gì?
Tải lượng đường huyết là gì?
Tải lượng đường huyết là gì? Công thức tính
Tải lượng đường huyết (Glycemic Load - GL) của thực phẩm là chỉ số cho thấy đường huyết của bạn sẽ tăng nhiều hay ít sau khi ăn một phần thực phẩm có chứa một lượng carbohydrate nhất định.
Tải lượng đường huyết được tính theo công thức:
GL = GI x carbs(g)/100
Trong đó:
- GI là chỉ số đường huyết của thực phẩm.
- Carbs là lượng carbohydrate thực có trong khẩu phần ăn (g), được tính bằng tổng số gram carbohydrate trừ đi lượng chất xơ trong phần ăn đó.
Ví dụ:
Quả táo tây có GI là 28.
Theo “Thành phần dinh dưỡng thực phẩm Việt Nam”, trong 100g táo tây có lượng carbohydrate là 11,7g và chất xơ là 0,6g.
Với khẩu phần ăn là 150g thì lượng carbohydrate là 17,6g và chất xơ là 0,9g, vậy lượng carbs thực trong khẩu phần ăn là 17,6 - 0,9 = 16,7g.
=> Tải lượng đường huyết của 150g táo là: GL = 28 x 16,7/100 = 4,67 (g).
Như vậy, tải lượng đường huyết của 150g táo tây là 4,67.
Phân nhóm tải lượng đường huyết
Tải lượng đường huyết của thực phẩm được phân thành 3 nhóm như sau:
Tải lượng đường huyết (GL) |
Nhóm GL |
≤ 10 |
Tải lượng đường huyết thấp |
11 - 19 |
Tải lượng đường huyết trung bình |
≥ 20 |
Tải lượng đường huyết cao |
Ví dụ như trong trường hợp trên, 150g táo tây có tải lượng đường huyết thấp là 4,67.
Lợi ích của tải lượng đường huyết
Tải lượng đường huyết mang đến cho người bệnh tiểu đường những lợi ích sau:
- Giúp bệnh nhân tính được khẩu phần ăn phù hợp, kiểm soát đường huyết sau ăn.
- Người bệnh có thể sử dụng được các thực phẩm tốt cho sức khỏe dù có GI cao.
Tải lượng đường huyết giúp người bệnh tiểu đường xây dựng khẩu phần ăn phù hợp.
Tổng tải lượng đường huyết trong một ngày
Tổng tải lượng đường huyết trong một ngày là tải lượng đường huyết của tất cả các thực phẩm có chứa carbohydrate trong một ngày cộng lại.
Người ta phân loại tổng tải lượng đường huyết trong một ngày thành các nhóm sau:
Tổng tải lượng đường huyết |
Nhóm |
≤ 80 |
Tổng tải lượng đường huyết thấp |
> 80 – 120 |
Tổng tải lượng đường huyết trung bình |
>120 |
Tổng tải lượng đường huyết cao |
Người bệnh tiểu đường nên khống chế tổng tải lượng đường huyết trong một ngày nhỏ hơn hoặc bằng 80g. Điều này sẽ giúp bệnh nhân phòng ngừa tăng đường huyết và các bệnh tim mạch.
Khác biệt giữa chỉ số đường huyết GI và tải lượng đường huyết
Hầu hết người bệnh tiểu đường đều đã quen thuộc với khái niệm “chỉ số đường huyết”. Chỉ số đường huyết đo mức độ carbohydrate trong một loại thực phẩm ảnh hưởng đến đường máu nhanh hay chậm. Những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ ít ảnh hưởng đến đường huyết hơn.
Tuy nhiên, chỉ số đường huyết có một nhược điểm: Nó không được xem xét dựa vào khẩu phần ăn. Do đó, nhiều bệnh nhân nghĩ rằng nếu ăn thực phẩm có GI thấp thì sẽ không làm tăng đường huyết nên ăn bao nhiêu cũng được. Thực tế, một lượng lớn thực phẩm có GI thấp có khả năng làm tăng đường huyết tương đương với một lượng nhỏ thực phẩm có GI cao.
Bên cạnh đó, một số loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI) nhưng lại chứa ít carbohydrate dẫn đến tải lượng đường huyết trong khẩu phần ăn thực thế thường thấp.
Còn tải lượng đường huyết thì khác, nó không chỉ thể hiện chất lượng của carbohydrate trong thức ăn mà còn phản ánh số lượng carbohydrate được tiêu thụ. Do đó, GL cung cấp một bức tranh về tác động của một loại thực phẩm tới đường huyết rõ ràng và cụ thể hơn GI.
Ví dụ:
Dưa hấu có chỉ số đường huyết là 72, là thực phẩm có GI cao.
Tuy nhiên, trong 100g dưa hấu chỉ có 2,3g carbohydrate và 0,5g chất xơ
Giả sử một người ăn 400g dưa hấu thì 9,2g carbohydrate và 2g chất xơ, vậy lượng carbohydrate thực trong 400g dưa hấu là 9,2 - 2 = 7,2 (g).
=> Tải lượng đường huyết trong 400g dưa hấu là: GL = 72 x 7,2/100 = 5,184
Vậy 400g dưa hấu chỉ có GL là 5,184, tức là có tải lượng đường huyết thấp. Người bệnh tiểu đường hoàn toàn có thể ăn 400g dưa hấu mà không gây ảnh hưởng nhiều đến đường huyết.
Dưa hấu có chỉ số đường huyết cao nhưng tải lượng đường huyết thấp.
Ngược lại, mía có chỉ số đường huyết là 50, thuộc nhóm thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Nhưng mía lại có tải lượng đường huyết rất cao, vì vậy nước mía có tác động đáng kể đến đường huyết của người bệnh tiểu đường.
Bảng tham khảo tải lượng đường huyết của một số loại trái cây và rau quả
Dưới đây là chỉ số đường huyết và tải lượng đường huyết của một số loại trái cây và rau quả phổ biến, mời bạn tham khảo:
Thực phẩm |
Chỉ số đường huyết |
Kích thước khẩu phần (g) |
Tải lượng đường huyết mỗi khẩu phần |
Chuối chín |
62 |
120 |
16 |
Bưởi |
25 |
120 |
3 |
Nho cỡ trung bình |
59 |
120 |
11 |
Cam cỡ trung bình |
40 |
120 |
4 |
Đào cỡ trung bình |
42 |
120 |
5 |
Lê cỡ trung bình |
43 |
120 |
5 |
Mận |
29 |
60 |
10 |
Nho khô |
64 |
60 |
28 |
Cà rốt cỡ trung bình |
35 |
80 |
2 |
Khoai lang trung bình |
70 |
150 |
22 |
Mong rằng bài viết này đã giúp bạn đọc hiểu thêm về khái niệm tải lượng đường huyết và biết cách tính tải lượng đường huyết để xây dựng được một khẩu phần ăn hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường. Để biết cách kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn, mời bạn gọi đến tổng đài 1800.1044 để được các dược sĩ tư vấn tận tình. Chúc bạn nhiều sức khỏe!
XEM THÊM: