Cúm mùa là bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp thường gặp. Bất kỳ ai cũng đều có thể mắc cúm một hoặc nhiều lần trong năm. Hiện nay, tiêm phòng cúm mùa là một trong những cách được dùng để đối phó với căn bệnh này. Để hiểu rõ hơn về những điều đó, mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây!
Cúm mùa là gì? Tiêm phòng cúm mùa có tốt không?
Cúm mùa là gì?
Cúm mùa là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, do virus cúm (influenza virus) gây nên. Theo ước tính của WHO, thế giới có khoảng 1 tỷ ca bệnh cúm mùa mỗi năm.
Trong đó, 5 - 10% là người lớn, 20 - 30% là trẻ em. Số ca bệnh nặng vào khoảng 5 triệu ca và số người tử vong vào khoảng 650.000 người. Số ca tử vong ở trẻ em là 106.000 ca. Hàng năm, Việt Nam ghi nhận trung bình 800.000 trường hợp mắc cúm.
Các chủng cúm mùa
Virus cúm là nguyên nhân gây ra bệnh cúm mùa. Y khoa thế giới đã ghi nhận được 3 chủng virus cúm có thể gây bệnh cho người là A, B, và C. Trong đó:
- Virus cúm A là loại virus thường gặp nhất và có mức độ nguy hiểm cao nhất. Chúng có thể lây từ động vật (chim, gia cầm, lợn,...) sang người, và từ người sang người. Tỷ lệ mắc cúm A ước tính vào khoảng 75% tổng số ca bệnh cúm mùa. Các loại virus cúm A có thể kể đến là: H1N1, H5N1, H3N2, H7N9,...
- Virus cúm B chỉ lây từ người sang người và ít nguy hiểm hơn so với cúm A. Cúm B có 1 chủng duy nhất, được chia thành 2 dòng là cúm B/Yamagata và cúm B/Victoria.
- Virus cúm C ít được bắt gặp, gây bệnh nhẹ và triệu chứng lâm sàng cũng không rõ ràng.
Triệu chứng cúm mùa
Các triệu chứng cúm mùa thường xuất hiện sau 2 ngày ủ bệnh. Dấu hiệu cúm mùa có thể kể đến như:
- Triệu chứng hô hấp: Ho nhiều (thường là ho khan), hắt hơi liên tục, đau họng, nghẹt mũi, hoặc sổ mũi chảy nước mũi.
- Triệu chứng toàn thân: Sốt vừa đến cao (trên 38 độ C), ớn lạnh, đau nhức cơ thể, nhức đầu, mệt mỏi,...
- Triệu chứng tiêu hóa: Nôn mửa và tiêu chảy. Triệu chứng này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.
Các triệu chứng của bệnh cúm mùa
Cúm mùa có nguy hiểm không?
Cúm mùa là bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây đại dịch lớn. Lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm, lấy đi sinh mạnh của hàng triệu người. Mặc dù phần lớn các trường hợp cúm mùa đều có thể tự khỏi, nhưng vẫn có ca bệnh nặng.
Bệnh cúm mùa có thể tiến triển ác tính với biểu hiện phù phổi do suy tim, viêm phổi, viêm cơ tim, suy hô hấp, viêm não, suy đa cơ quan dẫn đến tử vong. Những người dễ gặp tình trạng này thường là người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, người bệnh tiểu đường, suy thận, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhiễm HIV,...
Phụ nữ có thai 3 tháng đầu mắc cúm dễ gây ra biến chứng thần kinh cho thai nhi. Hoặc, mẹ bầu có thể bị co bóp tử cung, dẫn đến sảy thai sinh non, lưu thai,... Trẻ nhỏ mắc cúm mùa có thể gặp phải hội chứng Reye, gây ảnh hưởng đến gan và não.
Điều trị cúm mùa thế nào?
Hầu hết người mắc bệnh cúm đều có thể tự khỏi trong vòng 5 - 7 ngày. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, bổ sung dinh dưỡng, uống nước nhiều nước ép trái cây và rau củ. Nếu cần thiết, người bệnh có thể được bác sĩ chỉ định dùng đến một số loại thuốc như:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt paracetamol.
- Thuốc giảm nghẹt mũi: Oxymetazoline, Xylometazoline, Naphazolin,…
- Thuốc giảm ho: Dextromethorphan, codeine,…
- Thuốc kháng virus: Oseltamivir, zanamivir, peramivir và baloxavir. Loại thuốc này cần được sử dụng sớm, trong vòng 48 giờ đầu khi triệu chứng khởi phát.
- Thuốc kháng sinh trong trường hợp có bội nhiễm.
Mùa cúm tại Việt Nam vào tháng mấy?
Cúm mùa có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Virus cúm dễ sinh sôi và gây bệnh khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là khi độ ẩm và nhiệt độ xuống thấp. Chính vì vậy, cúm mùa có xu hướng lan rộng vào mùa đông và mùa xuân. Tại Việt Nam, mùa cúm thường đạt đỉnh vào khoảng tháng 3 - tháng 4 và tháng 9 - tháng 10.
Dịch cúm dễ bùng phát khi thời tiết thay đổi, độ ẩm, nhiệt độ xuống thấp
Cúm mùa lây lan như thế nào?
Cúm mùa rất dễ lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp. Một người có thể bị nhiễm cúm mùa do hít phải những giọt bắn khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Người mắc cúm có thể lây sang cho người khác thông qua dịch tiết đường hô hấp từ khoảng cách xa đến hơn 2m. Virus cúm còn có thể tồn tại trên các đồ dùng cá nhân của người bệnh. Nếu bạn chạm vào chúng và đưa tay lên mắt, mũi, miệng,... thì cũng có nguy cơ mắc bệnh.
Những người mắc cúm thường dễ lây bệnh cho người khác trong khoảng 3 - 4 ngày đầu tiên sau khi khởi phát. Một số trường hợp có thể lây bệnh từ 1 ngày trước khi các triệu chứng của bệnh xuất hiện và kéo dài khoảng 5 - 7 ngày sau khi mắc.
Ngoài ra, virus cúm A có thể lây truyền từ động vật sang người qua đường không khí, tiếp xúc với dịch tiết (khi vận chuyển, giết mổ,...), ăn thịt, trứng chưa được nấu chín kỹ,...
Tiêm phòng cúm mùa có tốt không?
Hiện nay, tiêm phòng cúm mùa được coi là biện pháp tốt nhất để đối phó với căn bệnh này. Vacxin phòng cúm mùa có 3 loại bao gồm: Vacxin sống giảm độc lực, vacxin bất hoạt và vacxin tái tổ hợp.
Trong đó, vacxin tái tổ hợp ít được sử dụng do chi phí đắt đỏ và bảo quản khó khăn. Hai loại vacxin còn lại sẽ được cân nhắc sử dụng tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Khả năng bảo vệ của vacxin phòng cúm mùa có thể đạt đến 97%. Tiêm vacxin giúp giảm tỷ lệ tử vong do cúm 70 - 80% và giảm 60% nguy cơ biến chứng. Do đó, ngoài trẻ em dưới 6 tháng tuổi thì tất cả mọi người đều nên tiêm phòng vacxin định kỳ mỗi năm 1 lần. Thời điểm tiêm là khoảng 2 tuần - 1 tháng trước khi vào cao điểm dịch bùng phát.
Việc tiêm vacxin phòng cúm mùa có thể gây ra một số phản ứng phụ không đáng kể và sẽ mất đi sau khoảng 1 - 2 ngày. Nếu gặp các biến chứng nặng hơn, bạn cần đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Mỗi người cần tiêm phòng cúm định kỳ mỗi năm 1 lần
Các biện pháp chủ động phòng ngừa cúm mùa khác
Ngoài tiêm vacxin, tất cả mọi người cần thực hiện các biện pháp chủ động phòng ngừa cúm mùa như:
- Giữ vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, rửa tay đúng cách, vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
- Giữ ấm cơ thể vào mùa đông và sử dụng khẩu trang khi đi đường.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên, bổ sung vitamin D để tăng sức đề kháng.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc cúm, các trường hợp nghi ngờ; hạn chế đến những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng.
- Giữ không gian xung quanh sạch sẽ, làm sạch các bề mặt có thể chứa virus.
- Không để nhiệt độ và độ ẩm trong phòng xuống thấp.
Hy vọng, bài viết trên đây đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin hữu ích về bệnh cúm mùa và tiêm phòng cúm mùa. Nếu cần được tư vấn về các vấn đề sức khỏe, bạn hãy liên hệ tới hotline 1800.1044. Cảm ơn quý độc giả đã dành thời gian theo dõi!
XEM THÊM: