Bệnh giang mai: Những dấu hiệu cảnh báo

Cập nhập: Thứ ba, 23/05/2023

Mục lục [Ẩn]

 

   Giang mai là căn bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, gây thương tổn ở da - niêm mạc và nhiều tổ chức khác nhau như cơ, xương khớp, tim mạch và thần kinh. Nếu không được nhận biết và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây hậu quả trầm trọng như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch,...Vì vậy, việc nắm rõ các dấu hiệu bệnh giang mai để phát hiện sớm căn bệnh này là rất quan trọng.

 

Xoắn khuẩn nhạt - nguyên nhân gây bệnh giang mai.

Xoắn khuẩn nhạt - nguyên nhân gây bệnh giang mai.

 

Tìm hiểu chung về bệnh giang mai

   Giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn nhạt ( tên khoa học Treponema pallidum) gây nên.

   Xoắn khuẩn giang mai có trong máu, dịch âm đạo và có nhiều trong các tổn thương như săng, mảng niêm mạc, hạch,... Vì vậy, giang mai có thể lây nhiễm qua các con đường sau:

  • Đường quan hệ tình dục: Đây là con đường lây truyền phổ biến nhất, xoắn khuẩn trong các tổn thương ở da và niêm mạc người bệnh sẽ tiếp xúc với người lành và gây bệnh.
  • Lây gián tiếp: Người lành tiếp xúc với các đồ dùng, vật dụng chứa xoắn khuẩn giang mai mà người bệnh đã sử dụng như: dao cạo, khăn tắm, khăn mặt,.. và bị lây nhiễm. Tuy nhiên, trường hợp này khá hiếm gặp do loại xoắn khuẩn này rất yếu, sống được không quá vài giờ sau khi ra khỏi cơ thể người bệnh.
  • Đường truyền máu: Người lành bị lây nhiễm do truyền máu hoặc dùng chung kim tiêm.
  • Truyền từ mẹ sang con: Trẻ sơ sinh bị lây nhiễm giang mai từ mẹ, thường sau tháng thứ 3 của thai kỳ và gây bệnh giang mai bẩm sinh.

 

Dấu hiệu bệnh giang mai qua từng giai đoạn

   Bệnh giang mai tiến triển theo 3 giai đoạn. Giữa các giai đoạn còn xen kẽ 1 thời kỳ không có triệu chứng lâm sàng gọi là giang mai kín. Tùy vào từng giai đoạn, bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau.

Dấu hiệu bệnh giang mai giai đoạn I

   Giai đoạn này bắt đầu trong khoảng 3 - 4 tuần sau khi xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể (gọi là thời kỳ ủ bệnh). Đây là giai đoạn rất quan trọng để bệnh nhân phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

   Dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn này là:

  • Săng (chancre): Là một vết trợt nông, hình tròn hoặc bầu dục, gây mất một phần thượng bì ngay tại nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Săng giang mai có bề mặt bằng phẳng, màu đỏ thịt tươi, nền thường rắn và cứng như tờ bìa - đây là đặc điểm quan trọng để phân biệt săng giang mai với các vết trợt khác. Ngoài ra, săng giang mai không ngứa, không đau, không có mủ, không điều trị cũng tự khỏi.
  • Hạch: Các hạch vùng bẹn thường bị viêm, xuất hiện thành chùm, trong đó có một hạch to hơn các hạch khác gọi là “hạch chúa”, triệu chứng này xảy ra sau khi có săng vài ngày. Hạch có đặc điểm rắn, không đau, không hóa mủ, không dính vào nhau, cũng không dính vào tổ chức xung quanh, di động dễ.

   Nếu trong giai đoạn này, bệnh không được phát hiện và chữa trị kịp thời thì sau 6 - 8 tuần xuất hiện săng, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn 2.

 

Vết săng ở bệnh nhân giang mai.

Vết săng ở bệnh nhân giang mai.

 

Bệnh giang mai giai đoạn II có dấu hiệu gì?

   Đây là giai đoạn xoắn khuẩn đi vào máu và đến tất cả các cơ quản trong cơ thể, tạo nên các thương tổn lan tràn, ăn nông trên bề mặt da.

   Giai đoạn này kéo dài dai dẳng từ 1 - 2 năm, có thể chia thành 2 giai đoạn: Giang mai thời kỳ II sơ phát và giang mai thời kỳ II tái phát, cụ thể:

   Giang mai thời kỳ II sơ phát có các triệu chứng sau:

  • Đào ban: Là những vết màu hồng tươi như cánh đào, có hình bầu dục, bằng phẳng với bề mặt da, không đau, không ngứa, khi sờ thấy mềm. Đào ban thường xuất hiện chủ yếu hai bên mạn sườn, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, ngoài ra còn xuất hiện ở da đầu gây rụng tóc. Sau một thời gian, dù không điều trị thì đào ban cũng mất đi để lại những vết nhiễm sắc tố loang lổ.
  • Mảng niêm mạc: Là những vết trợt rất nông của niêm mạc, nhỏ bằng hạt đỗ hoặc đồng xu, không có bờ. Trên bề mặt những mảng niêm mạc chứa nhiều xoắn khuẩn nên có khả năng lây lan rất mạnh. Chúng thường xuất hiện ở niêm mạc mép, lỗ mũi, hậu môn, âm hộ, rãnh quy đầu.
  • Vết loang trắng đen: Là những vết tăng giảm sắc tố sau khi đào ban, sẩn lặn đi tạo thành các vết loang trắng đen loang lổ. Nếu thương tổn tập trung ở cổ thì gọi là ” vòng vệ nữ ”.
  • Viêm hạch lan tỏa: Thường gặp ở các hạch khu vực bẹn, nách, cổ, dưới hàm, ụ ròng rọc.
  • Các triệu chứng toàn thân: Bệnh nhân thường bị nhức đầu vào ban đêm, rụng tóc.
  • Các triệu chứng của giang mai II sơ phát thường tồn tại trong một thời gian rồi mất đi mà không cần điều trị, bước vào thời kỳ giang mai kín.

   Giang mai thời kỳ II tái phát: Thời kỳ này xuất hiện từ trong khoảng từ tháng thứ 4 đến tháng thứ 12 kể từ khi mắc giang mai giai đoạn I. So với giang mai II sơ phát, số lượng thương tổn trong thời kỳ này ít hơn nhưng tồn tại dai dẳng hơn, cụ thể:

  1. Đào ban: Số lượng ít hơn nhưng có kích thước to hơn, khu trú vào một vùng hoặc sắp xếp thành hình vòng.
  2. Sẩn giang mai: Thường xuất hiện ở hậu môn, âm hộ hoặc ở lòng bàn tay, bàn chân với những đặc điểm khác nhau.
  3. Triệu chứng khác: Bệnh nhân có thể bị viêm họng khàn tiếng, viêm mống mắt, viêm gan, viêm màng xương, đau nhức xương cơ đùi về đêm,..

 

Bệnh nhân giang mai thường bị nhức đầu vào ban đêm.

Bệnh nhân giang mai thường bị nhức đầu vào ban đêm.

 

Dấu hiệu bệnh giang mai giai đoạn III

   Giai đoạn này bắt đầu vào năm thứ 3 của bệnh, các xoắn khuẩn gây bệnh xâm lấn sâu vào các cơ quan nội tạng, tạo ra các thương tổn có tính phá hủy tổ chức, gây nên những biến chứng không hồi phục, thậm chí tử vong cho bệnh nhân. Tuy nhiên, ngày nay rất ít gặp bệnh nhân giang mai giai đoạn 3 vì bệnh thường được phát hiện và điều trị sớm ở các giai đoạn trước đó.

    Các dấu hiệu bệnh giang mai giai đoạn III gồm có:

  • Đào ban giai đoạn III: Trong giai đoạn này, đào ban thường sắp xếp thành nhiều vòng cung, tiến triển rất chậm.
  • Củ giang mai: Củ giang mai thường phát triển tại một khu vực nhất định trên lưng, tay, chân, ngực,... Đây là các thương tổn ở trung bì của da hoặc niêm mạc, xuất hiện với số lượng từ ít đến nhiều. Chúng thường nổi thành từng khối dạng hình tròn, to tầm 1cm trở lên và có màu đỏ hồng, bề mặt của củ thường trơn láng hoặc thâm nâu kiểu viêm nhiễm.
  • Gôm giang mai: Đây là thương tổn đặc trưng của giang mai giai đoạn III, thường gặp ở mặt, da đầu, mông, đùi, mặt ngoài phần trên cẳng chân. Gôm giang mai tiến triển qua 4 giai đoạn: Bắt đầu là những cục cứng dưới da sờ giống như hạch, dần dần các cục này to ra, mềm dần và vỡ chảy ra dịch tính giống như nhựa cao su  tạo thành vết loét và vết loét dần dần lên da non rồi thành sẹo.
  • Ngoài ra, trong giai đoạn III, bệnh này còn phát triển thành giang mai tim mạch và giang mai thần kinh (khi xoắn khuẩn giang mai tấn công vào hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương của bệnh nhân).

   Trong giai đoạn này, bệnh giang mai có rất ít khả năng lây nhiễm cho người khác vì các xoắn khuẩn đã không còn ở niêm mạch hay da nữa mà thường khu trú ở các phủ tạng.

 

Dấu hiệu bệnh giang mai bẩm sinh

   Khác với bệnh giang mai ở người lớn, giang mai bẩm sinh ở trẻ em không phát triển theo 3 giai đoạn như trên. Dưới đây là các dấu hiệu bệnh giang mai bẩm sinh ở trẻ.

Giang mai bẩm sinh sớm

   Giang mai bẩm sinh sớm thường xuất hiện trong 2 năm đầu của trẻ, đặc biệt trong 3 tháng đầu. Lúc này, trẻ sẽ có các triệu chứng giống với giang mai giai đoạn II ở người lớn.

   Ngoài ra, trẻ còn có những triệu chứng sau:

  • Phỏng nước lòng bàn tay, lòng bàn chân hoặc bong vảy ở lòng bàn tay, bàn chân.
  • Thường xuyên bị sổ mũi, khụt khịt mũi.
  • Viêm xương sụn, giả liệt Parrot: thường gặp trong 6 tháng đầu của trẻ với các biểu hiện xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động các chi.
  • Toàn thân: Trẻ nhỏ hơn bình thường, da nhăn nheo, bụng to, gan to, lách to.

Giang mai bẩm sinh muộn

   Giang mai bẩm sinh muộn xuất hiện sau khi trẻ ra đời 3 - 4 năm hoặc khi đã trưởng thành, có các biểu hiện giống với giang mai thời kỳ thứ III ở người lớn.

   Các triệu chứng thường gặp:

  • Viêm giác mạc kẽ: Thường xuất hiện khi trẻ đến tuổi dậy thì. Ban đầu, trẻ bị nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, sau đó phát triển ở cả hai bên. Triệu chứng này có thể dẫn đến mù, lác quy tụ.
  • Điếc cả hai tai: Bắt đầu khi trẻ 10 tuổi.
  • Ngoài ra, trẻ bị giang mai bẩm sinh muộn có nguy cơ bị thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày lưỡi kiếm.

 

Phòng ngừa bệnh giang mai

   Trên đây là những dấu hiệu bệnh giang mai. Bất kỳ ai cũng đều có nguy cơ mắc bệnh giang mai nếu quan hệ tình dục không an toàn. Dưới đây là những cách giúp bạn phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh giang mai:

  • Chung thủy một vợ một chồng, không quan hệ tình dục bừa bãi.
  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác để tránh bị lây nhiễm gián tiếp.
  • Khám sức khỏe tổng quát 6 tháng một lần.
  • Thông báo với bác sĩ nếu người mẹ phát hiện bị giang mai trước khi sinh con để được hướng dẫn chăm sóc bản thân và hạn chế lây nhiễm cho bé.
  • Tăng cường sức đề kháng: ăn chế độ ăn lành mạnh, đủ chất, tập thể dục thường xuyên, hạn chế căng thẳng.

   Mong rằng bài viết này đã giúp các bạn nắm được các dấu hiệu bệnh giang mai. Đây là căn bệnh có thể chữa khỏi nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu của bệnh giang mai, bệnh nhân nên nhanh chóng đến các trung tâm y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

 

XEM THÊM:

Bài viết cùng chủ đề

Viêm tinh hoàn - Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Bất kỳ điều gì khiến tinh hoàn bị tổn thương cũng đề ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nam giới. Và, bệnh lý viêm tinh hoàn cũng không ngoại lệ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa viêm tinh hoàn nhé!
Ý kiến bạn đọc

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh

Gọi ngay cho dược sĩ để được tư vấn

Đặt câu hỏi cho chuyên gia

XEM ĐIỂM BÁN TOÀN QUỐC

Hỗ trợ 24/7

  • Dược sĩ tư vấn

    0984.464.844 - 0931.084.084 - 1800.1044

Zalo: 0984.464.844

Chương trình khuyến mãi, tích điểm tặng quà